Trên thế giới có nhiều khu vực đặc biệt được người dân địa phương gọi là “cổng địa ngục”. Mặc dù nằm ở những vùng đất khác nhau, các “cổng địa ngục” đều có một điểm chung là rất kỳ bí.
Một trong số đó là "cổng địa ngục" nằm giữa sa mạc Karakum, Turkmenistan, Trung Á. "Cánh cổng" này được mở ra vào năm 1971 khi các kỹ sư Liên Xô đi tìm mỏ dầu khí tại đây.
Ban đầu, những kỹ sư này tưởng lầm đây là một mỏ dầu với trữ lượng lớn. Tuy nhiên sau khi đặt các mũi khoan, họ phát hiện ra lượng khí trong mỏ chủ yếu là CH4. Các kỹ sư quyết định đốt nó đi nhằm triệt tiêu toàn bộ lượng khí độc rò rỉ có thể gây hại.
Ban đầu, các chuyên gia ước tính sẽ chỉ mất một thời gian ngắn để toàn bộ lượng khí này cháy hết. Ấy vậy, trải qua 5 thập kỷ, mỏ khí CH4 này vẫn bốc cháy ngùn ngụt. Cho đến tận bây giờ, những chuyên gia vẫn không biết được thời điểm ngọn lửa tắt. Hố lửa có thể ngừng cháy vào ngày mai hoặc thêm 100 năm nữa.
Ban đầu, Chính phủ Turkmenistan lo ngại rằng miệng núi lửa này có thể giảm danh tiếng của nơi đây. Rất nhiều những cuộc thảo luận đã được đưa ra nhằm dập tắt hoàn toàn miệng núi lửa đó.
Dù vậy, đây vẫn trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất khu vực.
"Gates To Hell" - cái tên được dân du lịch đặt ra nằm ở giữa một sa mạc. Không có nhà khách hoặc khách sạn tại miệng núi lửa. Những người đến thăm khu vực này phải nghỉ tạm trong một căn lều truyền thống nằm cách miệng núi lửa khoảng 200 m về phía nam.
Tất cả đều thuộc sở hữu của những cơ quan du lịch địa phương và bị khóa khi không có người ở đó. Bạn có thể dựng lều trong khu vực cho phép hoặc lựa chọn homestay trong làng Darwaza với giá khoảng 10 USD/đêm.
Chuyến thám hiểm và lời kể hãi hùng từ nhà khoa học
George Kourounis, một nhà nghiên cứu người Canada là người đầu tiên đặt chân xuống "Cổng địa ngục" này. Chuyến thám hiểm của ông nhằm mục đích tìm kiếm các mẫu đất ở sâu bên dưới và tìm hiểu dấu vết của sự sống khi tồn tại trong điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Để chuẩn bị cho chuyến đi đầy bất trắc, nhóm chuyên gia đã giúp Kourounis lên quá trình chuẩn bị, thử nghiệm leo núi và lao qua lửa trong vòng 1 năm. Dù vậy, Kourounis vẫn run sợ khi nghĩ đến chuyện sắp chui vào “cổng địa ngục”.
"Lần đầu tiên nhìn thấy hố lửa, nó giống như trong một bộ phim khoa học viễn tưởng vậy. Khi đứng gần rìa hố lửa, bạn phải lấy tay che mặt lại", National Geographic dẫn lời nhà nghiên cứu mô tả. Để thám hiểm Darvaza, Kourounis phải mặc một bộ đồ chống nhiệt, trang bị bộ máy thở đặc biệt, dụng cụ leo núi và một số thiết bị khác.
Dù căng thẳng nhưng Kourounis vẫn quyết tâm thực hiện cuộc hành trình của mình để khám phá sự sống bên trong ngọn núi lửa lên tới hàng nghìn độ C.
Nhà nghiên cứu này mô tả "Cổng địa ngục" như một thế giới khác. Tất cả mọi thứ đều có màu cam, màu của lửa. “Nó thực sự khiến tôi nghĩ đến Sao Hỏa, nơi có đất màu cam hoặc đỏ. Cảm giác thật khác Trái Đất”, Kourounis chia sẻ.