Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định của Chính phủ, cơ quan chức năng xử phạt từ 5-10 triệu đồng đối với người lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để thu gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính khi thị trường có biến động về cung - cầu, giá cả (do thiên tai, hỏa hoạn,…).
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Quản lý thị trường, Thanh tra tài chính tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm hành vi không niêm yết giá khẩu trang hoặc niêm yết nhưng tăng giá. Ảnh: FB
Trên Người lao động dẫn lời luật sư Hùng cho rằng những người có hành vi đầu cơ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng, đến việc phòng ngừa dịch bệnh có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội "Đầu cơ".
Ngày 2/2, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết đã kiểm tra, xử lý 1.136 vụ vi phạm về giá tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, nhà thuốc trên toàn quốc, thu giữ gần 313.750 khẩu trang các loại. Trong 3 ngày, có 1.221 vụ vi phạm về giá bán khẩu trang của các nhà thuốc bị xử lý, tạm giữ gần 318.620 chiếc khẩu trang. Ảnh: FB
Hình phạt ở tội danh này quy định tại Điều 196, Bộ Luật Hình sự 2015, có mức phạt nhẹ nhất là 30 triệu đồng, cao hơn là phạt tù từ 6 tháng – 3 năm. Cá nhân phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức đầu cơ hàng hóa trị giá từ 1,5 - 3 tỷ đồng và thu lợi bất chính từ 500 triệu - dưới 1 tỷ đồng có thể đóng phạt từ 300 triệu - 1,5 tỷ đồng hoặc đi tù 3-7 năm.
Tình trạng khẩu trang khan hiếm khiến nhiều nhà xếp hàng cả tiếng đồng hồ, để mua được vật bất ly thân trong thời điểm này.
Trong tình huống, cơ quan chức năng phát hiện hành vi đầu cơ hàng hóa trị giá 3 tỷ đồng trở lên, qua đó thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên. Đồng thời, đây là trường hợp tái phạm nguy hiểm thì sẽ bị phạt tiền từ 1,5 - 5 tỷ đồng hoặc phạt tù 7-15 năm đối với người có hành vi phạm tội mang tính chất, mức độ như vậy. Đặc biệt, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này có thể bị xử phạt từ 300 triệu - 9 tỷ đồng.
Dịch virus corona diễn biến khó lường khiến nhiều loại khẩu trang trở nên khan hiếm. Ảnh: FB
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết khẩu trang không nằm trong diện bình ổn, quản lý giá nhưng theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 thì mặt hàng này phải niêm yết giá.
"Không niêm yết cũng bị xử phạt và niêm yết mà tăng giá bán thì sẽ phạt nặng hơn từ 10-15 triệu đồng và bồi hoàn tiền cho người tiêu dùng. Nghị định 109 quy định thanh tra tài chính, quản lý thị trường thực hiện kiểm tra, xử phạt", ông Tuấn nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định: "Điều 10, Luật Giá cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng thiên tai, địch hoạ để kinh doanh hàng hóa trục lợi. Nghị định số 185 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính cũng quy định mức xử lý với hàng (khẩu trang) giả, kém chất lượng. Điều 196 Bộ luật Hình sự quy định việc găm hàng làm khan hiếm hàng hóa khi thiên tai, địch hoạ sẽ bị phạt từ 30-300 triệu và phạt tù tới 3 năm".
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Quản lý thị trường sẽ thực hiện theo các quy định hiện hành khi kiểm tra, xử lý các hành vi này.