Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cận kề, một nhóm sinh viên và chuyên gia đến từ trường Kinh tế London (LSE) của Anh đã có cuộc thảo luận về di sản trong 8 năm nhiệm kỳ của ông Barack Obama, tập trung đặc biệt vào quan hệ Mỹ - Trung và Chính sách ngoại giao của Washington.
Tổng thống Barack Obama đã để lại cho nước Mỹ di sản gì sau 8 năm làm tổng thống? Ảnh: Sputnik |
Theo Giáo sư Thomas J.Christensen, Giám đốc Chương trình Trung Quốc và Thế giới tại ĐH Princeton, Chính quyền Obama đã phải đối mặt với những động lực rất khác so với thời ông George Bush.
"Mặc dù Trung Quốc là một đối tác khó tính với ông Obama hơn so với chính quyền Bush nhưng về tổng thể, ông ấy đã làm tốt. Những yếu tố quan trọng như sự ổn định khu vực và quản lý toàn cầu không có nghĩa là các lĩnh vực hợp tác giữa 2 nước dễ dàng. Nhưng cách tiếp cận ngoại giao của ông Obama chắc chắn đã giúp đỡ điều này", ông Christensen nói tại hội thảo.
Về di sản, thỏa thuận song phương với Trung Quốc về vấn đề liên quan tới biển đối khí hậu toàn cầu là khía cạnh rất tích cực trong nhiệm kỳ của ông Obama. Giáo sư Christensen nói về việc 2 nước đã cùng nhau biến lĩnh vực quan trọng này thành một trụ cột trong quan hệ song phương Mỹ - Trung. Theo ông, cả 2 nước đều đã có những biện pháp mạnh mẽ để xây dựng một nền kinh tế xanh, có thể phục hồi khí hậu, giảm carbon ở trong nước. Sự hợp tác của họ chắc chắn đã dẫn tới sự nhấn mạnh toàn cầu rộng lớn hơn, đỉnh cao là Hiệp định Paris tháng 12/2015.
Liên quan tới yêu sách hàng hải của Bắc Kinh tại Biển Đông, theo một số người tham dự hội thảo, đã có những căng thẳng có thể đặt ra nghi ngờ cho những giải pháp hòa bình tại khu vực này.
"Trung Quốc sẽ không ngừng vận chuyển thương mại tại Biển Đông nhưng câu hỏi thực sự là liệu quân đội Mỹ có thể hoạt động ở đây mà không gặp bất cứ hậu quả nào. Chắc chắn là cả 2 nước đều không có lập trường gây hấn nhưng người ta phải thấy Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế", Giáo sư Christensen giải thích.
Xét về các thách thức trong nước của Trung Quốc, như kinh tế cũng như các vấn đề liên quan tới tăng dân số, những người tham dự hội thảo cho rằng điều này có thể đóng vai trò tích cực trong quan hệ Mỹ - Trung. Nó cho phép mở rộng đường đàm phán đối với Mỹ.
Nói về Triều Tiên, giáo sư Christensen cảm thấy chiến lược với lấy Trung Quốc nhằm ngăn sự gây hấn leo thang nhằm vào Hàn Quốc của ông Obama đã được xử lý tốt. Ông mô tả Triều Tiên là một quốc gia nguy hiểm, khó chịu và đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Mỹ - Trung tích cực, về lâu dài nhằm giảm thiểu căng thẳng tương lai.
Ông Christensen đã đổ lỗi việc Nhà Trắng không lưu ý đến bài học lịch sử khi can thiệp vào Trung Đông so với bạo lực đang nổ ra ở Syria.
"Với việc quốc tế nhìn nhận chính quyền Obama không hành động hiệu quả tại các khu vực xung đột như Syria, cần phải nói rằng một số bài học chính từ Libya và Iraq có thể đã không được áp dụng khi thay đổi chính quyền. Theo tôi, điều này là một sai lầm lớn. Nếu không đề xuất một giải pháp thay thế khả thi, về cơ bản, Mỹ đã phá hủy lập trường ngoại giao của mình và tăng cường hỗ trợ cho Assad ở một nơi nào đó", Giáo sư Christensen nói.
Đối với ngài tổng thống phiền phức Philippines, ông Duterte, Giáo sư Christensen giải thích: "Vấn đề lớn nhất của ông Obama trong suốt nhiệm kỳ của mình, theo tôi, là thuật ngoại giao công chúng. Chính quyền tiếp theo phải nói ít và làm nhiều hơn để giải quyết các nhà lãnh đạo như Tổng thống Duterte. Chúng ta có thể thu hút công chúng ở các quốc gia nhưng lại không giao tiếp trực tiếp với các lãnh đạo. Điều này sẽ rất khó để Mỹ làm việc với một nước như Philippines, đặc biệt nếu bạn nhìn vào vấn đề nhân quyền như các vụ tử hình tòa án được phép diễn ra tại nước này".
Một người tham dự hỏi ông Christensen về mối quan hệ Anh - Trung trong bối cảnh bỏ phiếu Brexit (Anh rời EU).
"Brexit có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế của Anh với Trung Quốc bởi EU là một đối tác thương mại khối đáng kể. Nhưng tôi thấy vai trò của Anh tai jchaau Á cũng giống như Mỹ, tức là thể hiện cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp hòa bình và sử dụng các biện pháp ngoại giao".
Hiện nay, trước mắt Trung Quốc tập trung vào những vấn đề trong nước của mình trong khi Mỹ chờ đợi kết quả bầu cử tổng thống. Các vấn đề quan hệ thương mại quốc tế chắc chắn sẽ tiếp tục là một trong những lĩnh vực mà cả 2 phía cần hợp tác và nỗ lực.
Nhưng khi ông Obama rời nhiệm sở nhường chỗ cho chính quyền mới, kết quả bầu cử sẽ xác định tương lai quân hệ Mỹ - Trung cũng như các chính sách đối ngoại nói chung.
Bảo Linh (Sputnik)