Tiến sĩ Nancy Messonnier, giám đốc Trung tâm Hệ miễn dịch và Bệnh hô hấp Quốc gia thuộc CDC, nói với các phóng viên CNN rằng dữ liệu về sự lây lan của virus trong một tuần qua đã khiến CDC ngày càng lo ngại về sự lây lan trong nước Mỹ.
Tính đến ngày 25/2, CDC xác nhận số trường hợp nhiễm Covid-19 tại Mỹ đã tăng lên con số 57, với 4 bệnh nhân nữa đang trên tàu du lịch ở Nhật Bản.
Bà Nancy Messonnier cũng cảnh báo người dân Mỹ cần chuẩn bị cho khả năng tác động của virus có thể xấu, với việc đóng cửa trường học, hủy bỏ các sự kiện công cộng và người lao động buộc phải ở nhà.
Hiện tại, Ý đã trở thành ổ dịch lớn nhất Châu Âu khi ghi nhận ca tử vong thứ 11 trong 322 ca nhiễm và Hàn Quốc với gần 1.000 ca nhiễm và 11 ca tử vong đã trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc.
"Bây giờ là lúc các doanh nghiệp, bệnh viện và cộng đồng ở Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho khả năng lây lan của Covid-19. CDC sẽ tiếp tục hợp tác với các lĩnh vực kinh doanh, giáo dục và chăm sóc sức khỏe, đồng thời khuyến khích các nhà tuyển dụng chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó dịch bệnh", CDC đưa ra thông báo chính thức trên Twitter.
Trong khi đó, Thị trưởng San Francisco London Breed cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố để ứng phó tốt hơn trước nguy cơ virus xuất hiện. Tuyên bố có hiệu lực ngay lập tức.
Bà Breed tái khẳng định vẫn chưa có ca nhiễm tại thành phố nhưng họ đang xem xét tình hình một cách nghiêm túc.
Tuyên bố trên sẽ giúp thành phố chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần thiết để thúc đẩy kế hoạch, tăng cường nhân sự và đảm bảo việc hoàn trả chi phí trong tương lai.
Trong chuyến thăm Ấn Độ, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với Thủ tướng Modi dịch bệnh lần này là "vấn đề sẽ biến mất", song các chuyên gia lo ngại dịch bệnh sẽ phát triển thành đại dịch, với sự lây lan nhanh ở châu Âu và Trung Đông.