Theo Global Times, giáo sư Hoàng Kim Hải, người đứng đầu dự án vaccine thuộc Học viện khoa học sự sống của Đại học Thiên Tân cho biết, đã tự uống 4 liều mà không gặp bất cứ tác dụng phụ nào. Nhóm nghiên cứu của trường đang tìm kiếm các đối tác tiềm năng để tiến đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và sản xuất rộng rãi.
GS Hải cho biết, vaccine dạng uống có khả năng kích thích miễn dịch niêm mạc tại màng nhầy để ngăn ngừa nhiễm bệnh. Đây cũng là liệu pháp tiềm năng chống lại virus Corona.
Vaccine dạng uống sử dụng saccharomyces cerevisiae, một loại nấm men bia làm 'chất dẫn' và protein gai của virus corona để tạo ra kháng thể chống Covid-19. Được sản xuất dưới dạng viện nang, viên sữa và dạng bột.
Nhóm nghiên cứu cũng phát triển các công nghệ cốt lõi trong việc xây dựng các tế bào tái tổ hợp, sàng lọc, biểu hiện dựa trên protein S (Spike protein) và tạo động lực lên men. Đây đều là các bước rất quan trọng trong việc phát triển vaccine. Protein S của virus là loại protein then chốt quyết định việc virus xâm nhập được vào tế bào dễ nhiễm trên vật chủ, cũng là mảnh ghép chủ chốt trong việc phát triển vaccine phòng ngừa hoặc thuốc điều trị Covid-19.
Đây là loại vaccine được nuôi cấy trên tế bào nấm men an toàn dạng thực phẩm, tạo miễn dịch qua đường uống, tiện lợi trong sử dụng, có tính an toàn và có thể sản xuất nhanh chóng, phù hợp sử dụng trong các tình huống khẩn cấp khi chưa có các loại vaccine thông thường đối với các loại bệnh nghiêm trọng. Hiện nhóm GS Hải đã bào chế một lượng nhỏ viên dạng con nhộng, viên tròn và dạng hạt.
Tuy nhiên, giáo sư Hải cũng nhấn mạnh, việc nghiên cứu, bào chế và đưa vaccine ra thị trường là một quá trình nghiêm ngặt và lâu dài.