Sự biến mất đồng loạt của các danh tướng Tào Ngụy nức tiếng một thời đã trở thành một trong những lý do khiến cục diện lúc bấy giờ có sự thay đổi to lớn.
Hầu hết những người am hiểu về lịch sử Tam Quốc đều biết, vào thời kỳ sau của giai đoạn này, số lượng danh tướng xuất hiện tổng cộng lại cũng không bằng một phần mười so với trước đó.
Vì sao thực trạng "khan hiếm" võ tướng này lại xảy ra? Những danh tướng nức tiếng một thời của Ngụy – Thục – Ngô liệu đã đi về nơi nào?
Lúc bấy giờ, những danh tướng của Thục Hán chủ yếu đã chết trận hoặc lâm bệnh qua đời. Về phần Đông Ngô, thế lực này từ trước đó vốn cũng không có quá nhiều tướng lĩnh nổi danh.
Vậy còn các anh tài tướng lĩnh khét tiếng thuộc tập đoàn Tào Ngụy thì sao?
Điểm kỳ lạ nằm ở chỗ, chỉ trong vòng 10 năm trước và sau khi Tào Tháo qua đời, tất cả các danh tướng của Ngụy quốc đều đồng loạt biến mất.
Chính thực trạng này đã tạo thời cơ cho Tư Mã Ý nắm binh quyền và dựng nên nền tảng vững chắc để con cháu gia tộc Tư Mã nhất thống thiên hạ về sau này.
Những biến cố manh nha từ trước khi Tào Tháo qua đời
Sự ra đi của quân chủ Tào Tháo đã kéo theo sự xuống dốc của nhiều danh tướng Tào Ngụy. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Nhìn vào thực tế lịch sử của giai đoạn Tam Quốc, có thể thấy nhiều danh tướng chiến công hiển hách thuộc phe Tào Ngụy đều trùng hợp qua đời vào vài năm trước hoặc sau khi Tào Tháo mất.
Công nguyên năm 220, vị quân chủ khét tiếng của thế lực Tào Ngụy là Tào Tháo qua đời. Vào thời điểm trước khi ông tạ thế 2 năm, Đại tướng quân Nhạc Tiến lâm bệnh mà chết.
Cũng trong năm ấy, tướng lĩnh nổi danh Hạ Hầu Uyên chết trận sa trường, Vu Cấm bị Quan Vũ bắt làm tù binh, sau này phải chịu cảnh giam lỏng ở Đông Ngô.
Sau khi Tào Tháo qua đời 1 năm, Hạ Hầu Đôn cũng lâm bệnh mà tạ thế.
Trước sự ra đi của các võ tướng kỳ cựu này, binh quyền của tập đoàn Tào Ngụy buộc phải chuyển giao cho các danh tướng khác.
Trận chiến Ngụy - Ngô và sự ra đi của hàng loạt danh tướng
Không lâu sau khi Tào Phi lên ngôi kế vị, Tào Ngụy nảy sinh xích mích với Đông Ngô.
Bấy giờ, Tào Phi đã điều tất cả các danh tướng kỳ cựu dẫn quân đi chinh phạt nước Ngô, gồm có Trương Liêu, Tào Nhân, Từ Hoảng, Tào Chân.
Trong trận chiến Ngụy - Ngô (222 - 225), Tào Phi đã điều động hầu hết các danh tướng kỳ cựu của Tào Ngụy ra chiến trường. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Vào giai đoạn đầu của cuộc chiến, phe Tào Ngụy tạm chiếm thế thượng phong. Nhưng sau đó, Đông Ngô xoay chuyển tình thế, đẩy phe đối địch vào thế bí.
Trong và sau trận chiến ấy, những danh tướng kỳ cựu tham gia lâm trận đều lần lượt qua đời.
Trước kia, Đông Ngô từng hết sức e ngại Đại tướng quân Trương Liêu của Tào Ngụy. Nhưng ngay vào giai đoạn đầu của cuộc chiến Ngụy – Ngô, vị tướng họ Trương bất ngờ lâm bệnh qua đời vào năm 222.
Một năm sau, kỳ tài thống soái của Tào Ngụy là Tào Nhân cũng buông tay trần thế vì bệnh tật.
Ba năm sau đó, Đại tướng nằm trong hàng ngũ Hổ Báo kỵ khét tiếng một thời là Hạ Hầu Thượng cũng mắc bệnh và qua đời trong quân ngũ.
Năm 227, Từ Hoàng, vị tướng lĩnh từng được Tào Tháo khen ngợi là mang khí chất của Châu Á Phu, cũng tạ thế vì lý do bệnh tật.
Cứ như vậy, các danh tướng tài năng thuộc phe Tào Ngụy về cơ bản đều đã biến mất trên bản đồ Tam Quốc.
Chưa dừng lại ở đó, chỉ một năm sau khi Từ Hoảng qua đời, Ngụy quốc tiếp tục mất đi người duy nhất còn có thể xung phong vào trận địa. Đó chính là đại tướng Hứa Chử.
Từ đó trở về sau, những tướng lĩnh từng làm việc dưới trướng Tào Tháo chỉ còn lại Trương Hợp và Tào Chân.
Hai danh tướng cuối cùng của Tào Ngụy: Người chết bệnh, kẻ bỏ mạng vì bị tính kế
Trong chiến dịch Bắc Phạt đối đầu với Gia Cát Lượng, Tào Chân từng là người có công trấn giữ, đẩy lùi phe cánh Thục Hán.
Nhưng cũng chính những trận chiến gian khổ và dai dẳng kéo dài ấy đã khiến vị tướng họ Tào lao lực quá độ tới mức lâm bệnh.
Năm 230, Tào Chân đột ngột mắc trọng bệnh, buộc phải quay về thành Lạc Dương trong khi đang dẫn quân công chiến Thục Hán.
Tháng 4 năm 231, vị tướng này cũng nối gót tiền nhân mà qua đời.
Hai danh tướng cuối cùng còn sót lại của Tào Ngụy là Tào Chân và Trương Hợp cũng nhanh chóng biến mất trên bản đồ Tam Quốc vì những lý do khác nhau. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Về phần Trương Hợp, danh tướng này từ sớm đã lọt vào tầm ngắm của Tư Mã Ý, bị nhân vật này dùng kế "mượn dao giết người" bằng cách lợi dụng Gia Cát Lượng để dồn vào cửa tử.
Trong một lần giao chiến với quân Thục Hán, binh lính của Gia Cát Lượng đã rút lui, nhưng Tư Mã Ý vẫn sai Trương Hợp đuổi theo.
Dù nhìn ra đó là hạ sách, nhưng Trương Hợp không thể không theo. Cuối cùng, vị tướng này lọt vào mai phục của quân Thục và bỏ mạng.
Sau khi Tào Chân cùng Trương Hợp qua đời, triều đình Ngụy quốc trên dưới không có lấy một võ tướng đủ khả năng để thống lĩnh quân đội.
Trước cục diện ấy, Tư Mã Trọng Đạt trở thành kẻ vừa nắm giữ trong tay triều chính, vừa có toàn quyền điều khiển quân đội.
Có thể nói, từ sau khi Tào Tháo qua đời, các tướng lĩnh từng theo ông nam chinh bắc chiến phần lớn đều trên đà xuống dốc.
Chỉ trong vòng 10 năm trước và sau khi Tào Tháo mất, những danh tướng này đều lần lượt qua đời vì nhiều lý do khác nhau, tạo điều kiện cho Tư Mã Ý trở thành kẻ chuyên quyền.
Năm 234, Gia Cát Lượng qua đời ở gò Mã Trượng. Kể từ đây, trên bản đồ Tam Quốc không còn bất kỳ nhân vật nào có thể làm đối thủ của Tư Mã Ý.
Kết quả là nhân vật này không cần tốn quá nhiều công sức cũng đã khống chế toàn bộ nước Ngụy, tiêu diệt hai thế lực còn lại.
Thế chân vạc không còn, gia tộc Tư Mã trở thành những người được hưởng lợi hơn cả. Quả nhiên sau này, con cháu Tư Mã Ý nhất thống thiên hạ, lập nên triều Tấn.