100 ngày kinh hoàng của Rwanda
Khoảng 85% số Rwanda là người Hutu nhưng tộc người thiểu số Tutsi lại thống trị đất nước. Năm 1959, người Hutu lật đổ chế độ quân chủ Tutsi khiến hàng chục ngàn người Tutsi phải trốn sang các nước láng giềng, trong đó có Uganda.
Một nhóm người Tutsi lưu vong đã thành lập nhóm phiến quân Mặt trận Yêu nước Rwanda (RPF). Nhóm này xâm chiếm Rwanda năm 1990, chiến đấu cho tới khi đạt được thỏa thuận hòa bình năm 1993.
Lực lượng cực đoan nắm trong tay danh sách mục tiêu trong cuộc diệt chủng. Ảnh: AFP
Đêm ngày 6/4/1994, chiếc máy bay chở Tổng thống Rwanda khi đó là Juvenal Habyarimana và người đồng cấp Burundi là Cyprien Ntaryamira, cả hai đều là người Hutu, bị bắn hạ. Tất cả những người trên máy bay thiệt mạng.
Những phần tử Hutu cực đoan đã đổ lỗi cho RPF trong vụ việc và ngay lập tức tiến hành cuộc thảm sát. RPF thì nói rằng vụ bắn rơi máy bay chỉ là cái cớ để những người Hutu thực hiện cuộc diệt chủng.
Cuộc diệt chủng đã được lên kế hoạch rất tỉ mỉ. Danh sách các đối thủ của chính phủ, người nhà của họ được trao cho phiến quân.
Khắp nơi trên đất nước Rwanda khi đó người ta thấy cảnh tượng hàng xóm sát hại hàng xóm, chồng giết vợ nếu đó là người Tutsi. Vào thời điểm ấy, thẻ ID có ghi cả dân tộc vì vậy phiến quân đã thiết lập rào chắn tại nơi người Tutsi bị tàn sát. Hàng ngàn phụ nữ Tutsi bị bắt đi và biến thành nô lệ tình dục.
Trong vòng 100 ngày, khoảng 800.000 người, phần lớn là dân thường đã bị tàn sát. Ảnh: Gilles Peress
Rwanda luôn là một xã hội bị kiểm soát chặt chẽ, được tổ chức theo hình kim tự tháp từ thấp đến cao. Đảng cầm quyền lúc bấy giờ, MRND, có một tổ chức thanh niên tên Interahamwe. Nhóm này sau đó được biến thành dân quân để thực hiện cuộc tàn sát.
Vũ khí và danh sách tấn công được trao cho các nhóm ở địa phương. Những người này biết chính xác nơi tìm kiếm mục tiêu.
Các phần tử cực đoan người Hutu đã lập một đài phát thanh, RTLM và các tờ báo để tuyên truyền thù hằn, kêu gọi mọi người "loại bỏ những con gián", tiêu diệt người Tutsi. Danh tính những người nổi bật cần tiêu diệt đã được nêu công khai trên đài phát thanh. Ngay cả các linh mục và nữ tu cũng bị kết tội chết, kể cả những người trú ẩn trong nhà thờ.
Cho tới những ngày cuối cùng của cuộc diệt chủng kéo dài 100 ngày ấy, khoảng 800.000 người Tutsi và người Hutu ôn hòa đã bị sát hại.
Những ai cố gắng ngăn thảm họa?
Liên hợp quốc và Bỉ có quân đội ở Rwanda nhưng phái đoàn của LHQ lại không có nhiệm vụ ngăn chặn giết chóc. Một năm sau khi quân đội Mỹ bị sát hại ở Somalia, Nhà Trắng đã quyết tâm không tham gia vào các cuộc xung đột khác ở châu Phi. Bỉ và hầu hết lính gìn giữ hòa bình của LHQ đã rút đi sau khi khoảng 10 binh sĩ Bỉ bị giết hại.
Nước Pháp, vốn là đồng minh của chính phủ Hutu, đã phái một lực lượng đặc nhiệm tới di tản công dân của họ, sau đó thiết lập một khu vực an toàn nhưng vẫn không đủ để ngăn được cuộc tàn sát.
Paul Kagame, tổng thống hiện tại của Rwanda, đã cáo buộc Pháp ủng hộ những người thực hiện vụ thảm sát. Tuy nhiên, Paris đã bác bỏ cáo buộc này.
Sau đó, RPF dưới sự hỗ trợ của quân đội Uganda dần dần chiếm được nhiều lãnh thổ hơn. Đến ngày 4/7/1994, lực lượng này đã tiến vào thủ đô Kigali.
Khoảng 2 triệu người Hutu, cả dân thường và một số người liên quan đến cuộc diệt chủng, sau đó đã chạy trốn qua biên giới, sang Cộng hòa Dân chủ Congo do lo sợ bị trả thù. Những người khác di tản đến nước láng giềng Tanzania và Burundi.
Các nhóm nhân quyền nói rằng RPF đã giết hàng nghìn dân thường Hutu khi họ chiếm lại quyền lực và truy đuổi Interahamwe sang tận Congo. Tuy nhiên RPF đã phủ nhận điều này.
Dòng người di tản trong thảm họa diệt chủng Rwanda. Ảnh: Gilles Peress
Tại Congo, hàng ngàn người chết vì dịch tả trong khi các nhóm viện trợ bị cáo buộc để đồ tiếp tế rơi vào tay dân quân Hutu. RPF đã gây áp lực cho các chiến binh Hutu lẫn quân đội Congo. Các nhóm phiến quân được Rwanda hậu thuẫn cuối cùng cũng lật đổ được chính phủ của Mobutu Sese Seko, đưa Laurent Kabila lên làm tổng thống.
Sự trừng phạt
Tòa án Hình sự Quốc tế được thành lập năm 2002, rất lâu sau cuộc diệt chủng Rwanda, vì vậy không thể đưa những kẻ phải chịu trách nhiệm ra tòa. Thay vào đó, Hội đồng Bảo an LHQ đã thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế cho Rwanda tại thị trấn Arusha, Tanzania để truy tố những kẻ cầm đầu.
Tổng cộng có 93 người bị truy tố sau những phiên xét xử đằng đẵng, tốn kém, hàng chục quan chức cấp cao trong chế độ cũ bị kết tội diệt chủng. Tất cả đều là người Hutu.
Một gacaca xét xử tội phạm diệt chủng. Ảnh: AFP
Tại Rwanda, các tòa án cộng đồng gọi là gacaca cũng tiến hành truy tố hàng trăm ngàn nghi phạm diệt chủng đang chờ xét xử. Các phóng viên cho biết có tới 10.000 người đã chết trong tù trước khi bị đem ra xử.
Trong một thập kỷ, tính đến năm 2012, 12.000 tòa án gacaca diễn ra mỗi tuần tại các ngôi làng trên toàn quốc. Những phiên tòa này thường diễn ra ngoài trời, trong một khu chợ hoặc dưới tán cây và đã xét xử hơn 1,2 triệu trường hợp.
Ngày nay, Rwanda đã lột xác rất nhiều kể từ sau thảm họa diệt chủng năm 1994. Tổng thống Kagame đã được ca ngợi khi thực hiện nhiều Chính sách khuyến khích tăng trưởng kinh tế để thay đổi đất nước, cố gắng biến Rwanda thành một trung tâm công nghệ.
Dù 25 năm đã trôi qua nhưng thảm họa diệt chủng đẫm máu vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người dân Rwanda cũng như toàn nhân loại. Đến nay, nó vẫn là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm ở Rwanda.