Công nhân tại một nhà máy giày ở Hồ Nam quay trở lại làm việc từ ngày 17/2. Ảnh: CNS
Ông Zhou Dewen, phó giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ nói với tờ Hoàn cầu Thời báo: "Trái với tình trạng thiếu lao động tạm thời, việc sa thải hàng loạt có thể diễn ra trong vòng 1-2 tháng. Một số công ty không thể khởi động lại hoạt động có thể đã sẵn sàng sa thải nhân viên".
Trong số hơn 10 cuộc gọi mà ông nhận được từ quản lý của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Zhou cho biết đa số họ thừa nhận việc cắt giảm biên chế, một số doanh nghiệp thậm chí còn chuẩn bị tuyên bố phá sản nếu người lao động khởi kiện họ. "Với quy mô nhỏ hơn, dòng tiền khó khăn hơn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ gặp rủi ro hơn so với các doanh nghiệp lớn", ông Zhou cho biết. Cũng theo ông, một số doanh nghiệp cho biết họ hoan nghênh các nhân viên trở lại sau khi công ty đã vượt qua giai đoạn khó khăn.
Công ty Capital Estate Ltd đăng ký tại Hong Kong cho biết khách sạn Fortuna Hotel Foshan của họ ở tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc đã tạm dừng hoạt động vào cuối tháng 1 và sẽ tiếp tục đình chỉ công việc. Công ty cho biết họ sẽ dần sa thải 250 nhân viên, chiếm khoảng 90% lao động của Fortuna Hotel Foshan để giảm dòng tiền mặt không mang lại lợi nhuận. Những người bị sa thải sẽ được bồi thường theo luật địa phương.
Chính quyền Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp để ổn định việc làm. Hội đồng Nhà nước, nội các Trung Quốc ngày 18/2 quyết định sẽ giảm hoặc loại bỏ các khoản mà công ty phải đóng góp cho nhân viên như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong một giai đoạn nhất định.