Do sinh ra trên máy bay nên khi đổi hộ chiếu bay kiểm tra ở cửa khẩu, Shona Owen đã gặp nhiều khó khăn.
Bà Debbie Owen sinh con trên máy bay vào năm 1990. Ảnh: Shona Owen |
Các quan chức bộ phận nhập cư đã vô cùng sửng sốt khi đọc thấy hộ chiếu của cô viết: "Thân chủ sinh ra trên máy bay".
Owen là một trong số ít người bước vào thế giới này theo cách vô cùng ấn tượng.
Vào năm 1990, mẹ Shona, Debbie Owen khi ấy đang mang bầu, đi cùng cô con gái 4 tuổi Claire bay từ Ghân tới London trên chuyến British Airways.
Thật bất ngờ, bà trở dạ.
Bà được đưa tới khoang hạng nhất, mọi hành khách đều được rời đi, bất cứ ai được đào tạo về y tế được huy động tới để giúp bà.
Bà mẹ tương lai thật may mắn.
Bác sĩ người Hà Lan Wym Bakker, người từng giúp những phụ nữ sinh con trong bụi rậm ở Ghana, khi ấy cũng có mặt trên chuyến bay.
Sợ bị bỏ lại một mình cùng với đứa con mới sinh và Claire nếu máy bay buộc phải hạ cánh ở châu Phi, bà Debbie đã cố gắng cầm cự cho tới khi máy bay tới châu Âu.
Tới sân bay Gatwick của London, cô bé Shona Kirsty Yves - ghép chữ cái đầu trong tên thành Sky (bầu trời) - chào đời khiến danh sách hành khách trên chuyến bay tăng lên.
"Mọi người luôn nói là tôi sinh ra để đi đó đây và giờ thì tôi đang làm việc cho ngành du lịch", Shona nói. Hiện nay cô đang làm quản trị marketing online cho một công ty lữ hành.
Cộng đồng sinh ra trên bầu trời
Shona Owen sinh ra ở độ cao hơn 9.000 mét. Ảnh: Shona Owen |
Sinh ra trên máy bay cũng trở thành chủ đề hấp dẫn với Shona khi cô quyết định tập trung vào đề tài này cho luận văn thạc sĩ của mình tại ĐH Goldsmiths, London.
"Khi tôi kể ra câu chuyện này, tôi luôn tự hỏi nó hiếm hoi như thế nào? Hay có bao nhiêu đứa trẻ đã được sinh ra trên máy bay? Và tôi không có câu trả lời", cô nói.
"Vì thế, khi tôi làm luận văn, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để dành 6 tháng nghiên cứu xem có bao nhiêu người như mình".
"Thực sự là rất thú vị khi đọc tất cả những câu chuyện và nói chuyện với những người cũng từng sinh ra trên máy bay".
"Mẹ tôi đã gặp một phụ nữ khác cũng sinh con trên máy bay, tôi đã nói chuyện với các phi công và điều này tạo ra một cộng đồng những người như chúng tôi".
Shona cũng đã tiếp xúc với Debs Lowther.
Bà Lowther sinh cậu con trai Jonathan chỉ 4 tháng trước khi Shona chào đời, trên chuyến bay của hãng Bristish Airways khi trên đường từ Malawi trở về Anh.
Hầu hết các hãng hàng không không giữ hồ sơ của các ca sinh này vì vậy việc thống kê các trường hợp là rất khó. Nhưng câu chuyện của Shona là hiếm hoi khi mà các hãng hàng không có các quy định bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Mặc dù các quy định không giống nhau nhưng hầu hết các hãng hàng không đều cho phép phụ nữ mang thai được phép bay khi thai 36 tuần tuổi nhưng từ tuần thứ 28 trở đi, phải có một tờ giấy có chữ ký của bác sĩ hoặc hộ sinh xác nhận ngày sinh.
Tuy nhiên, những trường hợp chào đời trên máy bay vẫn xảy ra.
Quốc tịch xác định như thế nào?
Hộ chiếu của Shona Owen ghi cô sinh ra trên một chiếc máy bay. Ảnh: Shona Owen |
Vào tháng 5/2015, Ada Guan và Wes Branch bay từ Calgary tới Tokyo thì Ada sinh con ngay trên Thái Bình Dương.
Đây là bất ngờ lớn đối với cặp vợ chồng khi họ không hề biết bà vợ mang thai.
Bà Guan đã tới gặp bác sĩ trước khi đi Nhật Bản và sau khi tăng cân, thậm chí bà còn tiến hành thử xem có thai hay không thì kết quả lại không có.
Có một số bác sĩ trên máy bay khi ấy đã đề nghị giúp đỡ và em bé mới sinh, tên Chloe, chào đời trước khi máy bay hạ cánh.
Một trong những vấn đề phát sinh của các trường hợp em bé sinh trên máy bay là quốc tịch.
Vào tháng 10/2015, một phụ nữ có thai bay từ Đài Bắc tới Los Angeles thì trở dạ khi máy bay đã đi được 6 tiếng. Cuối cùng, một bé gái khỏe mạnh chào đời dưới sự giúp đỡ của một vị bác sĩ có mặt khi ấy.
Sau đó, bà mẹ này bị người Đài Loan chỉ trích là có ý đồ sinh con ở Mỹ để đứa trẻ được mang quốc tịch Mỹ.
Luật quyền công dân của mỗi nước lại khác nhau. Ví dụ như ở Anh, quyền công dân không tự động trao cho những người sinh ra ở Anh.
Tại Mỹ, ngay cả khi đứa trẻ được sinh ra ở hải phận hay không phận nước này thì vẫn là công dân Mỹ, miễn là đúng với nguyên tắ jus soli (bên phải của đất).
Bảo Linh (theo CNN)