Richard M. Nixon, vị tổng thống Mỹ đầu tiên từ chức, ông không phải là một ngọn hải đăng của sự toàn vẹn đạo đức. Nhưng soi vào Nixon, Trump có lẽ sẽ học được nhiều điều.
Nixon đã mị dân trong chiến dịch tranh cử, thổi bùng ngọn lửa Cộng sản hoang tưởng trong thời McCarthy một cách bỉ ổi khi bội nhọ đối thủ của ông trong cuộc đua vào Thượng viện năm 1950, ông gọi nữ nghị sĩ California Helen Gahagan Douglas, là "Pink Lady".
Nixon chấp nhận chiến thắng của Kenedy. Ảnh: NYT |
Nhưng vị tổng thống Hoa Kỳ thứ 37 gây tranh cãi này sẽ cung cấp một ví dụ tốt cho Donald J. Trump về tầm quan trọng của việc đặt đất nước lên trên bản ngã và tham vọng cá nhân trong ngày bầu cử.
Khi ông Trump, người thường rêu rao rằng quá trình bỏ phiếu bị gian lận, được hỏi trong cuộc tranh luận hôm thứ Tư rằng liệu ông có chấp nhận một kết quả thua cuộc trong cuộc bầu cử sắp tới, ông đã phản ứng bằng cách nhổ nước bọt vào bộ mặt của nền dân chủ Mỹ: "Tôi sẽ nói cho bạn biết vào thời điểm đó. Tôi sẽ giữ cho bạn hồi hộp", ông nói liến thoắng, như muốn nói rằng ông sẽ đợi đến lúc mọi sự ngã ngũ mới quyết định. Ngày hôm sau, ông nói trong một buổi vận động ở Ohio rằng ông sẽ chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử: "Nếu tôi giành chiến thắng."
Tốt nhất bây giờ Trump nên nhìn vào cuộc bầu cử năm 1960, đó là cuộc đọ sức giữa Nixon, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa và khi đó đang là phó tổng thống, trước đối thủ đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ bang Massachusetts John F. Kennedy. Hai ứng cử viên đã tiến hành các chiến dịch tranh cử đáng ngưỡng mộ, trong đó bao gồm những cuộc tranh luận công khai, và đỉnh cao là cuộc bầu cử vào ngày 8 tháng 11.
Kết quả là một chiến thắng sít sao cho Kennedy, người đã giành được 49,7 phần trăm số phiếu và 303 phiếu đại cử tri, so với 49,5 phần trăm và 219 phiếu của Nixon.
Nhưng ngay sau khi Nixon thông báo thừa nhận chiến thắng của Kennedy với một bức điện chúc mừng đối thủ của mình vào sáng sớm ngày 9 tháng 11, các báo cáo gian lận bầu cử ở bang Illinois và Texas có lợi cho đảng Dân chủ bắt đầu lộ diện. Tại Chicago, trong một trường hợp, 121 phiếu được tính trong khi chỉ có 43 người bầu cử và 6.138 phiếu bầu đã được in tại một quận Texas trong khi chỉ có 4.895 cử tri đăng ký.
Ngay lập tức đảng Cộng hòa lên tiếng phản đối kết quả bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng và yêu cầu chính phủ tổ chức một cuộc tái kiểm phiếu. Tổng thống Dwight D. Eisenhower thậm chí đề nghị giúp Nixon quyên tiền để trang trải cho cuộc những hoạt động của một cuộc chiến có thể dễ dàng kéo dài trong nhiều tháng này.
Trong những tuần sau đó, đảng Cộng hòa không ngừng theo đuổi những dấu hiệu bất thường trong bầu cử ở bang Illinois và 10 bang khác, họ cam đoan rằng nếu họ phát hiện thấy sai phạm ở một trong những nơi này, họ có thể tiến hành một cuộc tái kiểm phiếu trên toàn quốc.
Nhưng trái ngược với những "lộng ngôn" của ông Trump ngày hôm nay, đảng Cộng Hòa khi ấy hành động bởi lòng yêu nước; Eisenhower nhấn mạnh rằng ông chỉ muốn cho thấy chính phủ liên bang "đã không trốn tránh trách nhiệm của mình" khi câu hỏi về quá trình bầu cử được đề ra. Không giống như ông Trump, họ bắt đầu từ một vị trí tin cậy trong hệ thống, tập trung điều tra về những hành động phi pháp cụ thể, chứ không phải là chỉ biết hùng hổ tuyên bố rằng cuộc bầu cử có "gian lận".
Tuy nhiên, Nixon, trong khi đang dằn vặt bởi thất bại của mình và hoàn cảnh đáng ngờ khi ấy, đã quyết định không tham gia.
Ít nhất là với công chúng, ông là một chính khách; ông hạ thấp tham vọng cá nhân vì lợi ích của một chính phủ liên tục, đảm bảo rằng nước Mỹ không bị văng ra khỏi sự cân bằng tại thời điểm Hoa Kỳ đã vướng vào một cuộc chiến tranh Lạnh với Liên Xô.
"Tôi nghĩ rằng các quốc gia khác không thể nào có được một ví dụ tồi tệ hơn việc Hoa Kỳ tranh cãi về kết quả bầu cử tổng thống, thậm chí việc ấy sẽ làm liên tưởng đến việc có thể đánh cắp tổng thống Mỹ bằng cách ăn trộm tại các thùng phiếu". (Và, tất nhiên, ông hy vọng sẽ có một sự nghiệp chính trị dài phía trước và sẽ không gặp phải những thất bại đau đớn như này nữa.)
Nixon đã giữ mong muốn kiểm phiếu lại của mình tránh xa những quyết định của ông, không giống như ông Trump, ông hiểu rằng trừ khi bằng chứng vững chắc tồn tại, đất nước cần có niềm tin vào tiến trình bầu cử và việc chuyển tiếp quyền lực hòa bình, và đất nước cần những người thua cuộc thừa nhận. (Tuy nhiên một số tranh cãi cho rằng vụ việc năm 1960 đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến Nixon khi ông trở thành tổng thống sau này, và đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến vụ Watergate năm 1974 khiến ông phải từ chức).
Lợi ích quốc gia, Nixon quả quyết, quan trọng hơn số phận của bất kỳ một người đàn ông nào. Khi Kennedy nhậm chức vào một ngày rét buốt tháng 1, đúng hai tháng rưỡi sau cuộc bầu cử, ông đưa ra một phát ngôn vang vọng mãi đến hôm nay: "Đừng hỏi đất nước của bạn có thể làm gì cho bạn. Hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước của bạn. "
Cho dù cả Nixon và Trump cùng có nhiều điểm gây tranh cãi trong tính cách. Nhưng nếu thất bại trong cuộc bầu cử ngày 8/11 tới, rất ít có khả năng rằng Trump cũng sẽ hành động như Nixon, đặt sự vĩ đại của nước Mỹ lên hàng đầu.
Quý Vũ (NYT)