Hoạt động bồi lấp, xây dựng phi pháp đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông sẽ chỉ khiến Trung Quốc tự chuốc lấy thất bại.
Tin tức từ tờ The Sydney Morning Herald ngày 8/8 cho hay, theo Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ, hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành bất hợp pháp ở Biển Đông tạo ra hệ thống căn cứ, sẽ khiến Trung Quốc tự chuốc lấy thất bại.
Đô đốc Scott Swift, tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters. |
Tướng Scott Swift nói với Fairfax Media rằng, chính các hành động phi pháp của Trung Quốc đã khiến các nước Đông Á từ Úc tới Nhật Bản phải củng cố hệ thống phòng thủ của riêng mình và tìm kiếm sự tham gia sâu hơn của Mỹ về quân sự. Tuy nhiên, ông bác bỏ tin đồn Úc hay Mỹ đang tìm kiếm những căn cứ mới ở Darwin hay Fremantle.
"Là người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, tôi thấy hiện nay các căn cứ mới không có giá trị. Chúng tôi không cần nhiều cơ sở hạ tầng xuất phát từ tầm nhìn của hải quân Hoa Kỳ bởi sẽ rất tốn kém và không cần thiết lập căn cứ hải quân mới khi nhiều quốc gia sẵn sàng mở cửa căn cứ của họ để đón máy bay, tàu chiến Hoa Kỳ”, Đô đốc Scott Swift nhấn mạnh.
Mặc dù Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương lớn và mạnh hơn bất kỳ đơn vị nào hoạt động bên ngoài lãnh thổ Mỹ với 5 cụm tàu sân bay, 200 chiến hạm và tàu ngầm, 2000 máy bay chiến đấu và 1/4 binh lực thủy quân lục chiến, thực tế yêu cầu và đòi hỏi đối với chiến lược tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Obama vẫn vượt xa năng lực của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.
"Nếu toàn bộ hải quân Mỹ đóng quân ở Biển Đông và Hoa Đông, tôi sẽ vẫn bị hỏi là khi nào Mỹ mới thật sự triển khai chiến lược tái cân bằng, khi nào Mỹ mới điều thêm quân đến khu vực", Đô đốc Scott Swift phát biểu bên lề đối thoại Mỹ - Úc ở Melbourne tối 8/9.
Trong một diễn biến khác, theo Reuters ngày 6/8, Nhật Bản dự định tặng máy bay cho Philippines để Manila dùng cho hoạt động tuần tra Biển Đông.
Theo đó, chính phủ Nhật Bản đang bàn đến khả năng tặng 3 chiếc Beechcraft TC-90 King Air được trang bị radar do thám cho Philippines.
Nguồn tin còn nói thêm rằng nội các Nhật đã có các thảo luận bước đầu về vấn đề này và sẽ cần phải bàn giải pháp về các rào cản pháp lý.
Tuy nhiên, Tokyo hiện vẫn chưa chính thức đưa ra đề xuất tặng 3 chiếc máy bay này như một giải pháp thay thế cho loại P-3C Orion, máy bay do thám cỡ lớn và hiện đại hơn mà Manila rất muốn có, nguồn tin khuyết danh của Reuters cho biết.
Tuy vậy, phát biểu về thông tin trên, các quan chức quốc phòng và tướng lĩnh Philippines cho biết họ chưa nghe gì về việc Nhật sẽ tặng TC-90, loại máy bay 2 cánh quạt mà phi công quân đội Nhật thường dùng để tập lái.
“Philippines không có đủ máy bay để tuần tra thường xuyên Biển Đông”, một trong số 4 nguồn tin tại Nhật cho hay.
Reuters bình luận rằng việc trao tặng máy bay, dù chỉ là loại nhỏ, vẫn có thể được xem như một sự nâng cấp về mặt quân sự cho Philippines, quốc gia hiện chỉ có vài chiếc máy bay cánh quạt loại nhỏ dùng cho hoạt động tuần tra biển.
Thanh Ngọc