Lực lượng mật vụ Triều Tiên được coi là đội "ngự lâm quân", là đội quân tinh nhuệ nhất, là tuyến phòng thủ cuối cùng của lãnh đạo Kim Jong-un.
Sáng 27/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã lần đầu tiên đặt chân sang biên giới Hàn Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của các mật vụ nước này.
Đội mật vụ tháp tùng ông Kim Jong un trong phiên họp sáng nay với ngoại hình sáng, mặc sơ mi trắng, khoác ngoài bộ vest đen lịch sự và đeo huy hiệu đảng bên ngực trái.
Họ luôn theo sát ông Kim cũng như vây quanh, chạy theo đảm bảo an ninh, hộ tống xe của ông khi đến Bàn Môn Điếm cũng như lúc trở lại Triều Tiên.
Được biết, mật vụ Triều Tiền trực thuộc Tổng cục an ninh quốc thường được được mệnh danh là đội "ngự lâm quân" của các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng, là đội quân tinh nhuệ nhất trong trong các đội quân tinh nhuệ của quân đội Triều Tiên, là tuyến phòng thủ cuối cùng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Lực lượng này cũng là một trong những cơ quan bí ẩn nhất Triều Tiên.
Theo sát lãnh đạo như hình với bóng
Đơn vị mật vụ bảo vệ ông Kim Jong-un thường tuân theo một điều lệ tiên quyết: "Bắt buộc bảo mật triệt để mọi hoạt động theo tiểu đội, trung đội", thậm chí không được công khai thông tin với cha mẹ và người thân.
Lực lượng đặc vụ thuộc Tổng cục an ninh Triều Tiên lần đầu tiên công khai trong hội nghị cấp cao liên Triều ngày 15/6/2000. Khi đó, công tác an ninh được đảm bảo vô cùng chặt chẽ, các mật vụ Triều Tiên theo sát lãnh đạo bấy giờ là ông Kim Jong-il.
Thời điểm đó, khác với các sĩ quan quân đội bình thường của Triều Tiên, mật vụ nước này thường đeo thắt lưng da lệch trên vai cùng một khẩu súng ngắn giắt ở ngang eo và gắn một quốc huy 5 sao trên quân phục.
Đáng chú ý, quân hàm của các mật vụ này đều là Đại tá hoặc Thượng tá, trong đó, vệ sĩ đảm bảo an ninh cho lãnh đạo tối cao thường có quân hàm Thượng tướng. Người này nắm toàn quyền phụ trách an ninh nên còn được coi là "trưởng nhóm an ninh".
Mật vụ an ninh Triều Tiên theo sát xe nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh cắt từ màn hình
Công nghệ cao cũng bị làm khó
So với các quốc gia khác, mật vụ Triều Tiên không dùng các thiết bị liên lạc vô tuyến do họ sợ bị tiết lộ vị trí. Một cựu đặc vụ Hàn Quốc cho biết, mật vụ Triều Tiên thường chỉ dựa vào năng lực cá nhân cũng có thể đảm bảo công tác kiểm an ninh, họ làm việc vô cùng hiệu quả trong các chuyến thị sát địa phương của lãnh đạo tối cao.
Theo đánh giá, công tác bảo mật của đặc vụ Triều Tiên khiến cơ quan tình báo số 1 của Mỹ, Hàn cũng phải "bó tay". Từng có thời gian, tình báo Mỹ-Triều đã cố gắng sử dụng các loại thiết bị trinh sát như vệ tinh hay máy bay trinh sát U-2 để theo dõi "hành tung" của ông Kim Jong-il nhưng trong thời gian dài các thiết bị công nghệ cao cũng "bất lực".
Không chỉ trong các chuyến thăm quốc tế, tình báo nước ngoài cũng rất khó để theo dõi vị trí của ông Kim Jong-il trong các chuyến khảo sát địa phương bằng tàu hỏa. Do đó, sau khi ông Kim Jong-il qua đời vào tháng 12/2011, phải đến hơn hai ngày sau, tình báo Mỹ-Hàn mới nhận được thông tin.
1 phút hạ gục được 8 người
Để có thể nhận được nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo tối cao, mật vụ Triều Tiên đã phải trả qua rất nhiều khóa huấn luyện kỹ năng gian khổ.
Truyền thông Hàn Quốc từng tiết lộ: "Tổng cục an ninh yêu cầu các nhân viên bắt buộc phải có bản lĩnh "bách phát bách trúng". Ví dụ, trong 1 phút với phạm vi 100m, 1 mật vụ cần bắn hạ trúng 8 người mới đạt 90 điểm; trong khi đó nếu lái xe moto hoặc ngồi thuyền nhắm bắn các mục tiêu di động cũng buộc phải đạt tỷ lệ bắn trúng rất cao. Đối với các tân binh, mỗi tuần phải vác 25kg hàng hóa hành quân trong 100km, trong 7 ngày phải bơi 4km".
Nhân viên của Tổng cục an ninh Triều Tiên được tuyển chọn từ các học sinh trung học cùng quá trình điều tra lý lịch vô cùng chặt chẽ với lối sống thiết quân luật trong đơn vị nhưng lại được hưởng đãi ngộ cao, trong thời gian công tác, họ được trang bị những thiết bị tối tân nhất của quân đội Triều Tiên, các kỳ lễ tết còn có thể nhận được quà từ các lãnh đạo.
Ảnh Reuters
Biểu tượng tinh thần của mật vụ Triều Tiên
Ngày 1/3/1946, khi ông Kim Nhật Thành tham gia một hội nghị ở Bình Nhưỡng, một quả lựu đạn đã được ném lên khán đài phía ông này. Tuy nhiên, Trung úy Liên Xô Yakov Novichenko đã chạy lên phía trước và tóm lấy quả lựu đạn. Novichenko khi đó đã bị thương dẫn tới mất một cánh tay nhưng sau đã được Triều Tiên phong tặng danh hiệu anh hùng.
Novichenko cũng vì thế đã trở thành biểu tượng tinh thần của các mật vụ Triều Tiên. Các mật vụ Triều Tiên cũng được thấm nhuần tư tưởng: "Là vệ sĩ của lãnh đạo tối cao nên trong mắt chỉ có một người là Ủy viên trưởng".
"Các hoạt động ngoài trời có ông Kim Jong-il tham gia đều được coi là "hành động số 1", hành động tuyệt mật", một cựu đặc vụ Triều Tiên chia sẻ.
Theo đó, Tổng cục an ninh Triều Tiên tổ chức rất chặt chẽ với phân công chi tiết, trong đó, Bộ tham mưu có 3 Cục 1, 2,3; trong Cục 1 lại có ba đơn vị đặc vụ 1,2,3.
Đơn vị đặc vụ số 1 bảo vệ ông Kim Nhật Thành đã bị giải tán sau khi ông qua đời vào năm 1994, đơn vị số 2 chịu trách nhiệm bảo vệ cho ông Kim Jong-il với số nhân viên lên tới 500 người.
Đơn vị đặc vụ số 3 được phân công bảo vệ các Ủy viên Bộ chính trị khác. Họ thường mặc thường phục trong mỗi lần thi hành nhiệm vụ. Lực lượng đặc vụ bảo vệ ông Kim Jong-un hiện nay được cho là do đơn vị mật vụ số 2 đảm trách.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc từng xác nhận rằng, có 7 lớp mật vụ bảo vệ lãnh đạo Triều Tiên. Lớp thứ nhất và thứ hai được gọi là "đặc vụ sát sườn", giống như lá chắn an ninh vô hình của với lãnh đạo - những thành viên của đội ngũ này do các đặc công, sĩ quan Tổng cục an ninh đảm nhận.
Lớp thứ 3, 4 do trung độ cơ động Tổng cục an ninh và Bộ an ninh quốc gia Triều Tiên cùng đảm nhiệm. Các lớp còn lại do lực lượng an ninh địa phương, tỉnh chịu trách nhiệm.
Hai ông Yakov Novichenko (trái) và Kim Nhật Thành. Ảnh tư liệu
Niêm phong vũ khí
Theo cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc tiết lộ, Tổng cục an ninh Triều Tiên luôn đưa ra kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt đối với mỗi chuyến công tác của lãnh đạo. Chỉ trong nước đã có tới 19 tuyến tàu hỏa, phân bố ở các khu vực khác nhau. Những trạm ga tàu hỏa này được xây dựng cách các khu nhà chính phủ khoảng 10-30km, tốc độ tối đa di chuyển giữa ga tàu với các khu nhà này là 60km/h. Vì thế, tốc độ này đảm bảo hạn chế thấp nhất các cuộc tập kích ám sát của đối phương.
Một cựu đặc vụ Triều Tiên chia sẻ: Khi triển khai "hành động số 1", tất cả phải tuân theo trình tự xuất phát trước sau, cứ cách hai giờ lại có một đoàn tàu xuất phát, trong khoảng thời gian này người ngoài không thể biết được đoàn tàu nào có ông Kim Jong-il ngồi. Và trong khoảng 6-8 tiếng, không có ai hoặc phương tiện nào được lại gần khu vực ga đường sắt.
Đơn vị bảo vệ tuyến đường sắt thuộc Cục số 2 thường triển khai nhiều tuyến bảo vệ. Một giờ trước khi đoàn tàu xuất phát, cả tuyến đường sắt và các khu vực lân cận đều được kiểm tra an ninh, tránh hiện tượng đặt thuốc nổ. Khoảng 30 phút trước khi xuất phát, đơn vị này sẽ cử một chuyến tàu được ngụy trang làm tàu chở khách thông thường đi thăm dò lần hai.
Theo cơ quan tình báo Hàn Quốc, Tổng cục an ninh Triều Tiên còn được trang bị loạt xe phá sóng điện tử đặc biệt, có thể gây nhiễu sóng điện từ trong trường hợp cần thiết và phong tỏa thông tin. Nếu địa bàn khảo sát có lực lượng quân đội đóng quân thì toàn bộ vũ khí trang thiết bị của quân đội đều phải niêm phong, họng pháo của lực lượng pháo binh đều được chúi hướng mặt đất.
Ngoài ra, các trang thiết bị được lắp đặt trên toa tàu của ông Kim Jong-il cũng rất đặc biệt. Thành tàu thường dày 80cm, khiến đạn khó thể xuyên qua. Trong toa tàu được trang bị bản đồ vệ tinh để theo dõi tuyến đường di chuyển, nhiệt độ ngoài trời và tình trạng khu vực bản địa. Dưới gầm tàu là lớp lưới chống đạn, trên tàu được trang bị súng máy, súng phóng lựu tự động, pháo cao xạ, thậm chí còn được lắp đặt hệ thống chống bom mìn.
Do có sự hiện diện của Tổng cục an ninh, các lãnh đạo Triều Tiên có thể đảm bảo về an ninh, Tướng Triều Tiên O Kuk-ryol từng báo cáo với lãnh đạo Kim Jong-il rằng: "Trong mọi trường hợp, chỉ cần có sự hiện diện của Tổng cục an ninh, đồng chí có thể yên tâm nghỉ ngơi".
Tiền thân của Tổng cục an ninh Triều Tiên là "đội cảnh sát" bảo vệ an ninh của ông Kim Nhật Thành. Trong những năm chiến tranh, tổ chức này đã phát huy vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an toàn của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Tháng 4/1952, khi đặc công Hàn Quốc thâm nhập vào Triều Tiên và phát hiện ra vị trí của ông Kim Nhật Thành, hàng chục máy bay Mỹ đã được điều động tới ném bom.
Trong vụ ném bom, một quả bom hẹn giờ đã rơi ngay cạnh trụ sở của ông Kim Nhật Thành. Khi đó Đoàn trưởng đoàn 3 sư đoàn 15 Bộ binh Triều Tiên Ri Ul-sol đã dẫn đầu một tốp lính dùng thân cây gỗ đẩy quả bom này xuống một thung lũng.
Sau này, ông Ri được lãnh đạo Kim Nhật Thành khen ngọi là "người trung thành nhất trong sự nghiệp cách mạng Triều Tiên" và ông cũng là người đầu tiên chịu trách nhiệm cho công tác bảo vệ an ninh lãnh đạo tối cao. Ri sau đó trở thành Tổn cục trưởng Tổng cục an ninh Triều Tiên.