Tin mới

Đối thoại Shangri-La: Mỹ tuyên bố không chấp nhận Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

Thứ bảy, 03/06/2017, 09:49 (GMT+7)

Sau Thủ tướng Australia, đến lượt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đưa ra những tuyên bố cứng rắn đối với việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông tại Đối thoại Shangri-La.

Sau Thủ tướng Australia, đến lượt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đưa ra những tuyên bố cứng rắn đối với việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông tại Đối thoại Shangri-La.

AP dẫn lời lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu hôm nay tại Đối thoại Shangri-La, Singapore nói rằng, phạm vi và tác động từ hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông khác so với những quốc gia còn lại.

"Trong đó có bản chất hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc... coi thường luật pháp quốc tế... và coi thường lợi ích của các quốc gia khác".

"Chúng tôi phản đối các quốc gia quân sự hóa các đảo nhân tạo và thực thi yêu sách hàng hải thái quá. Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi hiện trạng đơn phương, cưỡng ép", ông Mattis nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 3/6. Ảnh: Reuters

Ông Mattis cũng khẳng định, việc tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do đi lại trên không, trên biển sẽ giúp bảo đảm sự ổn định, xây dựng lòng tin, an ninh và thịnh vượng. Mỹ sẽ tiếp tục công việc đảm bảo hòa bình, thịnh vượng và tự do cho châu Á, tôn trọng mọi quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế.

"Không nước nào là một hòn đảo tách biệt với những nước khác, chúng ta sẽ cùng nhau đẩy lùi các thách thức an ninh", ông nói.

Ông Mattis đang dự diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 với sự tham gia của khoảng 50 quốc gia. Mỹ, Australia, Canada, Pháp, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand và Philippines là các quốc gia cử bộ trưởng Quốc phòng tới diễn đàn.

Được tổ chức thường niên từ năm 2002, Đối thoại Shangri-La là diễn đàn an ninh liên chính phủ, thảo luận và phân tích về các mối quan ngại an ninh và quốc phòng trong và ngoài khu vực. Trung Quốc không cử quan chức cấp cao của bộ Quốc phòng hay Công an tham gia, mà cử một lãnh đạo trường quân đội.

Theo nhận định của các chuyên gia, trọng tâm của Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 là Chính sách của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, tranh chấp trên Biển Đông, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng như nguy cơ khủng bố lan rộng tại Đông Nam Á.

Lê Huyền (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news