Cái chết bất ngờ của Otto Warmbier dường như đã làm thay đổi mọi suy tính đối sách của Mỹ và Triều Tiên.
Cái chết của Otto Warmbier
Ở Phương Tây có câu tục ngữ về thời tiết trong tháng Tư: "Tháng Tư, tháng Tư, người ta không thể biết mày muốn gì" với hàm ý thời tiết trong tháng Tư biến động rất khó lường. Mối quan hệ giữa Mỹ và hiện tại xem ra chẳng khác mấy.
Sau những ngày căng thẳng và đối đầu leo thang tưởng đến tột bậc và đụng độ quân sự trực tiếp bùng phát đến nơi, rồi manh mún luôn những tín hiệu giảm căng thẳng. Rồi Triều Tiên bất ngờ trả tự do cho công dân Mỹ Otto Warmbier, một trong số bốn công dân Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ, đưa ra xét xử và tuyên phạt án tù giam nhưng chàng thanh niên sinh viên 22 tuổi này lại qua đời sau khi về Mỹ.
Nội tình vụ việc thật khó có thể được phân định rõ ràng với những kẻ ngoài cuộc. Về lý thuyết có 3 tình huống sau: Otto Warmbier ở trong tình trạng sức khoẻ không tốt tới mức Triều Tiên không muốn anh chàng này qua đời ở Triều Tiên, Triều Tiên chủ ý dùng việc trả tự do cho Otto Warmbier làm cử chỉ thể hiện thiện chí đàm phán hoà giải và giảm căng thẳng với Mỹ hoặc Triều Tiên kết hợp cả hai chủ định trên.
Otto Warmbier qua đời tại Mỹ sau một tuần được Triều Tiên phóng thích.
Cái chết bất ngờ của Otto Warmbier xem ra đã làm đảo lộn mọi suy tính đối sách ở cả hai phía. Bi kịch cuộc đời của Otto Warmbier vì thế rất có thể trở thành tác nhân mới đối với mối quan hệ giữa hai nước này, đồng thời cũng còn có thể là dấu mốc báo hiệu về những biến động khó lường mới trong thời gian tới vì tác động về chính trị nội bộ của nó tới xã hội và dư luận ở Mỹ, đặc biệt tới chính phủ Mỹ và cá nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Vụ việc này lại xảy ra vào thời điểm rất nhạy cảm đối với Mỹ. Vòng đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra ở Mỹ và Tổng thống mới của Hàn Quốc Moon Jae-in sắp tới thăm Mỹ.
Chủ đề Triều Tiên, cụ thể là chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, không những không thể thiếu mà thậm chí còn có thể là ưu tiên nội dung trao đổi hàng đầu giữa Mỹ với Trung Quốc, giữa ông Trump và ông Moon Jae-in.
Ông Trump đã cho thấy là không còn tin Trung Quốc thành công với việc thúc ép Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Trước đó, ông Trump quả quyết, không loại trừ cũng nhằm cả mục đích gây áp lực tới Trung Quốc, là nếu Trung Quốc không làm và làm không thành công thì Mỹ sẽ hành động một mình.
Vấn đề là khi ấy thì Mỹ sẽ làm gì. Ông Trump không nói ra cụ thể, đơn giản vì Mỹ hiện thực sự không biết phải làm gì thì mới thành công. Chiến lược cho tới nay của ông Trump là tăng cường vũ trang cho Hàn Quốc và Nhật Bản, tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Đông Bắc Á và vừa khích lệ vừa thúc ép Trung Quốc gia tăng áp lực tới Triều Tiên để nước này từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã được bắt đầu triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc nhưng vẫn còn gây tranh cãi giữa Hàn Quốc và Mỹ, hiện chưa thể nói là đã suôn sẻ. Vì tranh thủ và khích lệ Trung Quốc giúp Mỹ xử lý "thách thức an ninh lớn nhất" này mà ông Trump phớt lờ mọi cáo buộc Trung Quốc từ lâu nay liên quan đến thâm hụt cán cân thương mại hay lũng đoạn tiền tệ.
Xem ra, đến thời điểm hiện tại thì chiến lược này của ông Trump đã phá sản. Chính ông Trump cũng đã công nhận điều ấy.
Bi hài kịch chính trị
Cái chết của Otto Warmbier gây tác động về chính trị nội bộ đối với ông Trump còn ghê gớm hơn cả một vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên. Bi hài đối với ông Trump và cộng sự chính ở đấy. Cứ theo cách thể hiện thái độ của ông Trump, của Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng quốc phòng James Mattis hay cách biện bạch lòng vòng của người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer thì tất cả đều ám chỉ Mỹ sẽ hành động nhưng lại chưa biết hành động gì và như thế nào.
Nay lại ồn ào về khả năng Mỹ tấn công quân sự Triều Tiên. Trung Quốc càng không giúp được Mỹ thì những đồn thổi về kịch bản này càng thêm sôi động.
Mỹ có đủ khả năng về kỹ thuật và công nghệ quân sự để tấn công quân sự Triều Tiên, giới quân sự Mỹ không phải hoàn toàn không muốn, cá nhân ông Trump không phải không hề tính đến, nhưng hiện ông Trump chưa dám làm việc ấy vì khi ấy mọi chuyện sẽ tuột ra khỏi tầm kiểm soát của các bên, ảnh hưởng trực tiếp đến số phận mấy chục ngàn lính Mỹ ở Hàn Quốc và hàng trăm ngàn người dân Hàn Quốc, lại còn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, vị thế và thể diện của Trung Quốc.
Mỹ có thể đơn phương hoặc cùng nhiều đồng minh siết chặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Cấm công dân Mỹ đến Triều Tiên và trừng phạt công dân nước khác đến Triều Tiên là biện pháp mới được đề cập. Nhưng nếu không có sự đồng hành của Trung Quốc thì chuyện trừng phạt không thể có được hiệu ứng cộng hưởng như Mỹ mong đợi.
Trung Quốc lại có những lợi ích và lo ngại riêng nên không thể cùng hội cùng thuyền hoàn toàn với Mỹ. Mỹ trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên - và đỡ lưng cho Triều Tiên đối phó Mỹ theo suy diễn của Mỹ - thì không thể không gây tổn hại cho quan hệ hợp tác nói chung giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một kịch bản nữa là đối thoại và đàm phán với Triều Tiên. Triều Tiên vừa phát đi thông điệp ngỏ ý. Nhưng kịch bản này hiện gần như không khả thi vì Triều Tiên đặt điều kiện tiên quyết trong khi Mỹ không tin Triều Tiên thật lòng. Phía Mỹ đã coi các cựu Tống thống Bill Clinton và George W. Bush thất bại với chủ ý tiến hành đàm phán với Triều Tiên.
Bi hài trong quan hệ chính trị giữa Mỹ và Triều Tiên chính là đấy. Nhưng cũng vì thế mà rất nguy hiểm và nguy hại đối với khu vực về chính trị an ninh. Khi các bên liên quan đều bế tắc ý tưởng giải pháp thì mọi chuyện đều có thể xảy ra.