Tin mới

Đừng “giết” U19 Việt Nam bằng sự ảo tưởng sức mạnh

Thứ ba, 14/10/2014, 19:04 (GMT+7)

Sau thất bại nặng nề tại VCK U19 châu Á, đã đến lúc những người có trách nhiệm và người hâm mộ cần tỉnh táo để nhìn thẳng vào vị trí thực sự của U19 Việt Nam, cũng như thôi tung hô một thứ sức mạnh ảo tưởng.

Sau thất bại nặng nề tại VCK U19 châu Á, đã đến lúc những người có trách nhiệm và người hâm mộ cần tỉnh táo để nhìn thẳng vào vị trí thực sự của U19 Việt Nam, cũng như thôi tung hô một thứ sức mạnh ảo tưởng.

 

U19 Việt Nam đã nhanh chóng kết thúc hành trình “giành tấm vé dự vòng chung kết U20 thế giới” ngay từ vòng bảng VCK 19 châu Á với hai thất bại và một trận hòa.

Có lẽ đã quen với điệp khúc đá đẹp – có tiến bộ - rồi thua trận của U19 Việt Nam tại các giải đấu trong khoảng một năm trở lại đây, các quan chức bóng đá và người hâm mộ nước ta dường như ít thấy buồn. Trái lại, tất cả còn cảm thấy thêm tự hào và tin tưởng rằng thời khắc lứa cầu thủ U19 này đưa bóng đá Việt Nam đạt đến tầm châu lục và thế giới đã gần lắm rồi.

Đó là một sự lạ lùng, nhưng hoàn toàn có thể giải thích được. Lâu nay, người hâm mộ đang chán ngán và mất niềm tin trầm trọng vào nền bóng đá Việt Nam đầy rẫy tiêu cực, dối trá và dần thụt lùi. Đúng lúc này, U19 Việt Nam - nòng cốt là các cầu thủ của học viện HAGL Arsenal JMG - xuất hiện như làn gió mới với tinh thần thi đấu hết mình và lối chơi đẹp mắt. Vì thế, làn gió nhẹ U19 Việt Nam đã nhanh chóng trở thành cơn bão trong cơn say của những người hâm mộ, và cả lợi dụng, các cầu thủ trẻ này.

u19 việt nam, u19 vn, vck u19 châu á, u19 việt nam thất bại, ảo tưởng u19 việt nam, người hâm mộ u19, cầu thủ u19 việt nam

U19 Việt Nam thua kém toàn diện trước U19 Hàn Quốc, qua đó cho thấy bóng đá trẻ Việt Nam còn một khoảng cách rất lớn với những nền bóng đá hàng đầu châu lục. Ảnh: Zing.

Lâu nay, U19 Việt Nam mới chỉ quanh quẩn ở đấu trường khu vực và đọ sức với những đối thủ quen thuộc như U19 Thái Lan, U19 Myanmar, U19 Indonesia. Những trận thắng lúc nhọc nhằn, lúc dễ dàng trước các đội bóng trên chẳng có gì quá ghê gớm, vì xét cho cùng, U19 Việt Nam chẳng học hỏi được gì từ các đối thủ sàn sàn, cùng đẳng cấp. Thế nhưng, có lẽ vì vẫn mãi quanh quẩn chưa vượt ra được “cái ao làng” bóng đá Đông Nam Á cộng với căn bệnh vĩ cuồng, nhiều người cứ cho đó là một bước tiến vĩ đại của bóng đá nước nhà.

 

Hai lần chạm trán với U19 Australia, một đối thủ được cho là có số má ở tầm châu Á, U19 Việt Nam đều giành thắng lợi. Người ta lại coi đó là chiến thắng lịch sử và nghĩ rằng đội tuyển trẻ của chúng ta đã thu hẹp khoảng cách về mặt trình độ với thế giới.

 

Những lần gặp gỡ U19 Nhật Bản, U19 Việt Nam toàn thua, từ thua nhiều đến thua ít. Người ta lại lấy đó làm thước đo cho “một sự tiến độ vượt bậc”, “một sự trưởng thành rõ rệt”.

Nhưng có một sự thật là, U19 Australia và U19 Nhật Bản đâu đã tung ra đội hình mạnh nhất khi gặp U19 Việt Nam tại các trận đấu mà họ chỉ coi là giao hữu, thử nghiệm.

Qua đó để thấy, suy cho cùng, sức mạnh của U19 Việt Nam đang được nhắc đến phần lớn được tạo nên từ sự thổi phồng của báo giới, từ chính sự ảo tưởng của người hâm mộ và từ chính sự tự tin thái quá đến từ bầu Đức, HLV Graechen và BHL đội bóng.

“Thử kêu, đốt xịt” là căn bệnh kinh niên của nhiều thế hệ các đội tuyển bóng đá Việt Nam. Đội tuyển U19 cũng không thoát được căn bệnh dễ khiến người ta “ảo tưởng sức mạnh” để rồi gục ngã khi thất bại này.

Khi một đội bóng đại diện cho một quốc gia đi thi đấu thì bóng đá lúc đó là thành tích, là danh hiệu. Dù có chơi hay, đá đẹp, có nỗ lực đến mấy mà vẫn thất bại (nhiều lần) ở những phút cuối cùng thì cũng chẳng… hay, chẳng có gì vui.

Tại VCK U19 châu Á vừa rồi, sự thua kém về nhiều mặt đã khiến U19 Việt Nam thua tan nát trước U19 Hàn Quốc, Nhật Bản, hay không thể chiến thắng dù lấn lướt hoàn toàn và dẫn trước U19 Trung Quốc, để rồi phải dừng bước ngay tại vòng bảng. Trong khi đó, U19 Thái Lan và U19 Myanmar – những đối thủ chúng ta từng thắng – lại cho thấy bản lĩnh và sự hiệu quả cần có trong một giải đấu chính thức khi dắt tay nhau vào tứ kết.

Chưa rõ ở Thái Lan và Myanmar, cổ động viên của họ đã ăn mừng ra sao về chiến thắng của đội U19 nước họ. Nhưng nếu ở Việt Nam, chắc chắn đó sẽ là “chiến tích vĩ đại” và được tung hô không ngớt!

u19 việt nam, u19 vn, vck u19 châu á, u19 việt nam thất bại, ảo tưởng u19 việt nam, người hâm mộ u19, cầu thủ u19 việt nam

U19 Việt Nam thất bại tại VCK U19 châu Á. Sự ảo tưởng từ phía người hâm mộ đã làm hại các cầu thủ trẻ.

Đã đến lúc những người có trách nhiệm và người hâm mộ cần tỉnh lại để nhìn thẳng vào vị trí thực sự, cũng như dừng tung hô thứ sức mạnh ảo tưởng của U19 Việt Nam sau thất bại nặng nề tại VCK U19 châu Á.

 

Chúng ta cần thể hiện tình yêu với đội tuyển U19 Việt Nam đúng cách để không làm hại, không “giết chết” một lứa cầu thủ tài năng bằng sự ảo tưởng, thiếu tỉnh táo của người lớn.

 

Yêu quý, tin tưởng và ủng hộ U19 Việt Nam nhưng chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận thực tế (dù phũ phàng) rằng, bóng đá Việt Nam cần một lộ trình rất dài, rất xa để đứng vững ở đấu trường châu lục trước nói tới chuyện vươn tầm thế giới.

U19 Việt Nam vẫn còn quá nhiều việc phải làm, và phải cần nhiều thế hệ tiếp theo như Công Phượng, thậm chí xuất sắc hơn mới có hi vọng để “con thuyền nhỏ” bóng đá Việt Nam trở thành “chiến hạm lớn” làm nên những điều kì diệu giữa đại dương đầy sóng gió.

Theo Duy Minh/Người Đưa Tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news