(Tinmoi.vn) Rất có thể, Trung Quốc sẽ phát động một cuộc xung đột nhỏ để một lần nữa khẳng định sức mạnh của mình trong khu vực.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Biển Đông lại bùng lên lần nữa tại các hội nghị thượng đỉnh quốc tế gần đân. Đó là Hội nghị Thượng đỉnh về phối hợp hành động và củng cố lòng tin ở châu Á (CICA) được tổ chức từ 20-21/5 tại Thượng Hải và Đối thoạn Shangri-La được tổ chức từ 30/5-1/6 tại Singapore.
Theo tờ Duowei, trang web tin tức của người Trung Quốc ở hải ngoại, Hội nghị thượng đỉnh G7 với sự tham gia của các đại diện đến từ Canada, Mỹ, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Anh cũng sẽ cùng đưa ra lời chỉ trích việc Trung Quốc đang cố thay đổi hiện trạng tại Biển Đông và yêu cầu Trung Quốc kiềm chế tránh gây bất ổn trong khu vực.
Duowei nói đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự xâm lược từ bên ngoài trong kế hoạch nhằm vào Trung Quốc của Mỹ và cho rằng Mỹ đang muốn làm rõ một điều: Chính sách châu Á Thái Bình Dương của Washington vẫn không thay đổi, Mỹ vẫn nắm quyền kiểm soát tại đây cũng như trên toàn thế giới. Theo tờ báo, mặc dù Trung Quốc ngạc nhiên trước động thái này nhưng cũng đang chuẩn bị để đáp trả Mỹ.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã có hàng loạt các chuyến thăm ngoại giao và tham gia các hội nghị thượng đỉnh để phát triển vị thế quốc tế mới của Trung Quốc. Đặc biệt quan trọng là các cơ sở an ninh khu vực mới mà ông đưa ra tại CICA, Duowei cho biết. Các nỗ lực hợp tác giữa Bắc Kinh và Moscow trong việc xây dựng một trật tự thay thế cho thấy: thời kỳ thụ động và tự vệ đã qua. Thêm vào đó, thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đang thoát dần lối suy nghĩ ngoại giao truyền thống và xác định lại Trung Quốc để thích ứng với vai trò một siêu cường quốc đang trỗi dậy.
Với sự phát triển kinh tế như hiện nay, trong vòng 6 năm tới Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, bài báo cho biết. Tập Cận Bình đã tự đặt mình vào 2 kế hoạch đầy tham vọng, cụ thể: biến cả Trung Quốc thành tầng lớp trung lưu vào năm 2020 và biến Trung Quốc thành quốc gia cộng sản dân chủ hiện đại vào năm 2049. Để đạt được những mục tiêu đó, Trung Quốc phải tránh xung đột mặc dù các cuộc đụng độ gần đây với Việt Nam, Philippines và Nhật Bản có thể trở thành một cuộc chiến khó tránh khỏi.
Tập Cận Bình tại hội nghị CICA. Minh họa ghép từ ảnh chụp màn hình
Tư tưởng là động lực chính đằng sau chiến lược ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông. Đầu tiên là liên minh với Liên Xô để chống lại Mỹ, sau đó là với Mỹ để chống lại Liên Xô, và giờ thì liên kết với thế giới thứ ba để chống lại cả Mỹ lẫn Liên Xô.
Ban đầu, Đặng Tiểu Bình cũng đi theo tư tưởng thế giới thứ ba của Mao Trạch Đông, liên minh với các quốc gia ở thế giới thứ hai, thứ ba để chống lại Mỹ cùng Liên Xô. Tuy nhiên, trong phiên họp toàn thể thứ 3của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản TQ lần thứ 11 vào năm 1978, chính sách cốt lõi của đảng đã thay đổi cơ bản từ đấu tranh giai cấp sang phát triển kinh tế và cải cách. Chiến lược ngoại giao của Trung Quốc cũng theo đó mà thay đổi. Từ năm 1982 Trung Quốc đã tránh xa các liên minh, tồn tại độc lập và có quan hệ thân thiết với các nước láng giềng.
Tuy nhiên, các khái niệm về an ninh châu Á dần dần thay đổi theo thời gian. Trong thời gian Giang Trạch Dân làm chủ tịch nước, Trung Quốc tập trung vào hợp tác và đảm bảo an toàn khu vực vì lợi ích chung. Vào giữa những năm 1990, Giang nỗ lực rất lớn để thúc đẩy các kênh đối thoại và hợp tác để tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Ví dụ như vào tháng 3/1997, Trung Quốc và Philippines đã đồng tổ chức Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tại Bắc Kinh. Tại đây, Trung Quốc đã chính thức nâng khái niệm về cơ sở an ninh mới trong khu vực lên một tầm mới.
Trong cuộc họp các bộ trưởng tại diễn đàn ngày 31/7/2002, đại diện của Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc đang đứng trên cơ sở an ninh khu vực mới” mà cốt lõi nằm ở sự tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng và hợp tác. Tại hàng loạt các sự kiện quốc tế tiếp theo, các lãnh đạo Trung Quốc cũng nói điều tương tự. Ví dụ như bài phát biểu của Hồ Cẩm Đào trước Đại hộ đồng Liên hợp quốc lần thứ 64, ngày 23/9/2009 đã đề cập đến quan điểm “ngồi chung một thuyền”. Hay như bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại CICA đều đi theo truyền thống của các biện pháp an ninh “kiểu Trung Quốc”.
Theo Duowei, con đường tơ lụa vành đai kinh tế và đường tơ lụa trên biển mà Trung Quốc đưa ra được hiểu rằng: đó không chỉ là những động lực kinh tế mà còn là chiến lược phù hợp với suy nghĩ truyền thống của Trung Quốc. Mà suy nghĩ truyền thống ấy là gì? Là một vị hoàng đế bảo vệ kẻ yếu về cả quân sự lẫn kinh tế.
Tất nhiên, ngay cả Trung Quốc cổ đại cũng đã có những thuyết khác nhau nói về cách tốt nhất để cai trị như một hoàng đế. Trong khi mô hình Nho giáo dành cho một vị hoàng đế vị tha, cốt lõi ngoại giao của nó là đạo đức thì những người áp dụng nó vẫn thực dụng hơn, vẫn có cả đạo đức và lợi ích kinh tế trong đầu.
Mặc dù Trung Quốc luôn nhấn mạnh quyết tâm tiến tới hòa bình trong những năm gần đây nhưng các chính sách ngoại giao thực tế của Bắc Kinh kể từ Tập Cận Bình nhậm chức lại luôn hiện rõ sự gây hấn. Ông Tập nhiều lần nói rằng lợi ích của Trung Quốc không thể chấp nhận bất cứ hành vi xúc phạm nào. Ví dụ tốt nhất cho điều này có lẽ là việc Trung Quốc bất ngờ thành lập Vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên biển Hoa Đông vào ngày 23/11/2013 tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản. Theo Duowei, ông Tập một lần nữa chứng minh rằng ông là một “miếng bánh khó xơi” và nếu bị kích động, ông có thể phát động 1 đến 2 cuộc chiến trong khu vực.
Kể từ sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949, Trung Quốc đã không tham gia vào bất kỳ cuộc chiến nào, trừ khi đó là chiến lược cần thiết. Việc hỗ trợ Triều Tiên trong chiến tranh Triều Tiên đã làm thay đổi cách nhìn về vị thế và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc. Dẫn đầu là Liên Xô lúc ấy đã phải đánh giá lại Trung Quốc như một đồng minh đáng gườm. Mao đã mô tả chiến tranh Triều Tiên lúc ấy là "quả đấm phòng ngừa". Quyết định tấn công Việt Nam vào năm 1979 của Đặng Tiểu Bình cũng dựa trên logic trên. Mặc dù thương vong rất lớn, Trung Quốc đã giành được chiến thắng trong vòng 1 tháng và thiết lập lại được vị thế kiểm soát Đông Nam Á của mình.
Sự tăng trưởng kinh tế và quân sự cùng với sự gia tăng ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc khiến Mỹ coi Bắc Kinh như một đối thủ cạnh tranh tại châu Á. Và việc Mỹ muốn xâm nhập châu Á khiến sự ổn định và tình hình an ninh tại khu vực trở nên phức tạp hơn. Mỹ nói rằng quần đảo Diaoyutai (Senkaku/Điếu Ngư) được Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật bảo vệ. Hành động của Trung Quốc đã đe dọa đến ự ổn định của an ninh khu vực. Trước các cuộc xung đột gần đây giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines tại Biển Đông, giữa Trung Quốc với Nhật Bản tại biển Hoa Đông, 2 kế hoạch đầy tham vọng của ông Tập cũng như giấc mơ trở thành một siêu cường của Trung Quốc cần phải có một môi trường hòa bình mới có thể tiếp tục.
Rất có thể, Trung Quốc sẽ phát động một cuộc xung đột nhỏ để một lần nữa khẳng định sức mạnh của mình trong khu vực.
Bảo Linh (Theo wantchinatimes)