Một trong những kịch bản có thể xảy ra là Mỹ tấn công quân sự Triều Tiên, và đấy lại là kịch bản khiến Trung Quốc lo ngại nhất vì nó tai hại nhất đối với Trung Quốc.
Có một điều chắc chắn phía Trung Quốc đã buộc phải nhận ra từ cuộc cấp cao vừa rồi với Mỹ ở Florida (Mỹ), là tân tổng thống Mỹ dễ để tình cảm lấn át lý trí trong suy xét. Ông ngẫu hứng, bột phát chứ không cân nhắc lâu la khi quyết định hành động.
Chẳng phải thế sao khi ông Trump quyết định tấn công tên lửa vào quân đội chính phủ Syria khi còn đang đón tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi không hề có bằng chứng xác thực cụ thể là quân đội chính phủ Syria đã sử dụng chất độc hoá học và khi bản thân ông Trump chưa có ý tưởng riêng về định hướng giải pháp cho toàn bộ vấn đề Syria?
Vấn đề không phải chỉ ở chỗ Trung Quốc từ trước tới nay đâu có cùng phe với Mỹ trong vấn đề Syria, tức là trong thâm tâm, Trung Quốc không ủng hộ Mỹ tấn công quân sự nhằm vào quân đội chính phủ Syria.
Nó còn ở sự ám chỉ của ông Trump mà phía Trung Quốc không thể không cảm nhận thấy, rằng ông cũng sẽ thực hiện tuyên bố về việc Mỹ đơn phương hành động nhằm vào Triều Tiên nếu như Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu của Mỹ gia tăng áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân.
Vì cá tính không biết thế nào mà lường của ông Trump nên Trung Quốc buộc phải có động thái lo xa khác hẳn so với trước khi phía Mỹ điều động lực lượng hải quân hùng hậu đến khu vực Đông Bắc Á.
Ở Florida, Triều Tiên là một trong những chủ đề nổi bật trong chương trình nghị sự giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình.
Theo những gì được hai bên công bố thì ông Trump tỏ ra thông cảm với cái khó xử của Trung Quốc và dành cho Bắc Kinh thêm thời gian nữa để thuyết phục và gây áp lực với Triều Tiên, sau đó nếu cần Mỹ mới tự giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Vì thế, việc Mỹ tăng cường vũ trang và triển khai thêm lực lượng ở khu vực Đông Bắc Á vừa nhằm răn đe Triều Tiên, vừa làm cho Trung Quốc thấy nếu họ không thành công với việc thuyết phục hay không buộc được Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa thì Mỹ sẽ đơn phương hành động.
Một trong những kịch bản có thể xảy ra là Mỹ tấn công quân sự Triều Tiên, và đấy lại là kịch bản khiến Trung Quốc lo ngại nhất vì nó tai hại nhất đối với Trung Quốc.
Kịch bản ấy nhiều khả năng xảy ra nhất khi Triều Tiên tới đây lại tiếp tục thử hạt nhân, lần thứ 6 kể từ năm 2006 đến nay, trong khi tổng thống Mỹ không còn là Barack Obama nữa mà là Donald Trump.
Với tính cách cá nhân như thế, vì đã hành động đối với Syria và đã phát ngôn mạnh mẽ về Triều Tiên, lại phô trương sức mạnh quân sự ở ngoài khơi nước này, ông Trump tự đưa mình vào tình thế buộc phải chấp nhận chơi được ăn cả, ngã về không nếu Triều Tiên tới đây lại thử hạt nhân.
Mà cứ theo mô thức hành xử và lô gic đối phó Mỹ lâu nay của Triều Tiên thì không thể loại trừ khả năng Triều Tiên tới đây lại một lần nữa tiến hành thử hạt nhân. Căng thẳng thật hiện nay ở khu vực Đông Bắc Á chính là ở đó.
Mỹ muốn diễn để gia tăng hiệu ứng răn đe và cảnh cáo Triều Tiên cũng như gia tăng áp lực với Trung Quốc, nhưng phản ứng khó lường và đối sách kinh điển của Triều Tiên khiến cho tình hình có thể bất ngờ diễn biến theo chiều hướng không như phía Mỹ đã trù liệu.
Phía Triều Tiên cũng diễn để ăn miếng trả miếng Mỹ, để dùng căng thẳng và đối địch đối phó với căng thẳng và đối địch với Mỹ, nhưng khi bị đẩy đến cùng thì cũng sẵn sàng diễn thật với Mỹ.
Chính là vì thế mà Trung Quốc lần này lo ngại thật sự.
Triều Tiên đã rất thành công với việc biến vấn đề mắc mớ với Mỹ thành vấn đề của Mỹ, của Trung Quốc và giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trung Quốc vừa có những động thái mới, chính thức cũng như không chính thức, làm găng với Triều Tiên là để vừa nhằm vào Triều Tiên vừa nhằm vào Mỹ. Trung Quốc buộc tầu chở than của Triều Tiên phải trở về. Tờ Hoàn cầu thời báo dọa Trung Quốc sẽ hành động trừng phạt Triều Tiên còn trước cả Mỹ.
Không biết dập lửa hay khua khói mà Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác bỏ tin về Trung Quốc triển khai 15 vạn quân ở vùng sát biên giới Triều Tiên. Ông Trump và ông Tập Cận Bình lại điện đàm với nhau, nhất trí mục tiêu chung là không để Triều Tiên có vũ khí hạt nhân cũng như thoả thuận duy trì liên lạc thường xuyên. Trong chuyện này, họ theo đuổi cùng mục tiêu, chỉ khác nhau ở biện pháp thực hiện.
Cả Trung Quốc hiện cũng đang diễn sâu, nhưng vì lo ngại thật sự và nhằm để kịch bản tồi tệ nhất không xảy ra trong khu vực.
Trung Quốc hiện có cơ hội để phát huy vai trò. Mỹ và Triều Tiên hiện đã lại một lần nữa xô đẩy nhau vào tình thế bên nào lùi bước trước sẽ bị coi là yếu thế. Họ cần sự trung gian hoà giải của đối tác thứ ba, như Trung Quốc, để đi vào hoà dịu mà giữ được thể diện và không bị coi là thất thế.
Ba đối tác này theo đuổi ba cách hành xử khác nhau để kịch bản tồi tệ nhất không xảy ra và họ chỉ thành công khi không để diễn biến tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát chung của cả ba cũng như riêng của từng bên.