Theo điều tra của FBI, tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) trong nhiều năm trời đã "ép buộc" một cách công khai các chuyên gia Mỹ làm việc cho hãng này phải tiết lộ các bí mật liên quan đến công nghệ điện hạt nhân.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tiến hành thẩm vấn các chuyên gia Mỹ làm việc cho Tập đoàn Điện Hạt nhân Trung Quốc (CGN), cơ quan bị cáo buộc âm mưu đánh cắp công nghệ hạt nhân, theo SCM.
CGN bị cáo buộc cố gắng ăn cắp công nghệ Mỹ. Ảnh: Chinanews |
Cũng theo một báo cáo tóm tắt của FBI, tập đoàn CGN "thường xuyên đòi hỏi các tài liệu độc quyền hoặc hạn chế tiếp cận". Trong một vài trường hợp, tập đoàn này đã "có được những gì họ muốn".
Vụ việc đã được FBI trình lên một tòa án liên bang Mỹ tại Knoxville, bang Tennessee, để xem xét vào tháng này.
Trong quá trình điều tra, một chuyên gia nói rằng ông được CGN yêu cầu cung cấp thiết kế nhiệt độ cho vật liệu được dùng để chứa nhiên liệu hạt nhân vốn là một công nghệ độc quyền. Sau khi ông từ chối yêu cầu này, CGN đã không làm việc với ông nữa.
Một chuyên gia khác cho biết các nhân viên của CGN đã yêu cầu được cung cấp tài liệu chỉ dẫn cách vận hành các thiết bị và phần mềm về năng lượng hạt nhân. Việc yêu cầu này được cho là "vượt quá giới hạn", theo báo cáo thẩm vấn của FBI.
Ngoài CGN, trước đó Mỹ cũng truy tố Szuhsiung "Allen" Ho, kỹ sư người Mỹ gốc Đài Loan đã tuyển dụng các chuyên gia Mỹ làm việc cho CGN, về tội làm gián điệp cho Bắc Kinh. Vụ việc được xem là một "sự kiện đặc biệt nghiêm trọng về an ninh quốc gia" tại Mỹ.
Luật sư của Ho thì bao biện rằng Ho chỉ đơn thuần muốn "giúp đỡ" Trung Quốc tránh một thảm họa tương tự như vụ Chernobyl và ông không có ý định phạm pháp hay đánh cắp bí mật quốc gia.
Theo chuyên gia Mark Hibbs của viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại Carnegie Endowment for International Peace có trụ sở tại Washington D.C. (Mỹ), Trung Quốc lâu nay đã xem việc nâng cao năng lực điện hạt nhân là ưu tiên hàng đầu. Các công ty của họ đã tìm nhiều cách để có được công nghệ từ các công ty đối tác cũng như từ các chính phủ nước ngoài.
Trong một diễn biến khác, vào tháng 7, Anh đã bất ngờ tuyên bố trì hoãn dự án xây dựng 2 lò phản ứng do CGN đầu tư phần lớn tại nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C. Thủ tướng Anh Theresa May không nói rõ về lý do trì hoãn dự án trị giá 24 tỷ USD. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, bên cạnh các vấn đề nội bộ về giá điện sinh hoạt, London còn quan ngại về các nguy cơ an ninh khi hợp tác với tập đoàn nhà nước Trung Quốc.
Người dân Anh biểu tình phản đối để Trung Quốc xây nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: Breibart |
Theo một cảnh báo từng được FBI đưa ra, Trung Quốc tỏ ra sốt sắng trong việc xây nhà máy điện hạt nhân cho Anh phần nhiều là vì họ muốn "thử nghiệm" áp dụng những công nghệ mà họ đã ăn cắp từ Mỹ vào thực tế.
Trước nay, không chỉ điện hạt nhân mà còn nhiều lĩnh vực công nghệ cao khác của Mỹ như vũ khí, quân sự được phía Trung Quốc "nhòm ngó". Mỹ từng tố cáo Trung Quốc thực hiện hàng nghìn vụ tấn công mạng vào nước này nhằm ăn cắp các tài liệu công nghệ, và Mỹ thừa nhận rằng rất nhiều vụ trong số đó đã thành công và Trung Quốc đã lấy cắp được một lượng dữ liệu lớn về các bí mật công nghệ của Mỹ.
Quý Vũ