Tin mới

Formosa từng đem 3.000 tấn chất thải nhiễm thủy ngân đổ sang Campuchia

Thứ ba, 26/04/2016, 11:03 (GMT+7)

Năm 1998, Tập đoàn Formosa đã phải lên tiếng xin lỗi về việc vận chuyển một lô chất thải độc hại sang Campuchia, gây ra một cuộc bạo loạn và cuộc di dời đầy kinh sợ của người dân khỏi nơi bị ô nhiễm.

Năm 1998, Tập đoàn Formosa đã phải lên tiếng xin lỗi về việc vận chuyển một lô chất thải độc hại sang Campuchia, gây ra một cuộc bạo loạn và cuộc di dời đầy kinh sợ của người dân khỏi nơi bị ô nhiễm.

Trong khi dư luận trong nước đang nghi ngờ ống xả thải của Formosa tại Hà Tĩnh gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền trung nước ta thì cách đây 18 năm, tập đoàn này đã gặp phải vụ bê bối chất thải lớn tại Campuchia.

Ngày 30/12/1998, Tập đoàn Formosa Plastics Group (FPG) đã phải nói lời xin lỗi vì đã "gây ra sự hỗn loạn" cho người dân Campuchia. Theo tờ Guardian, cuối năm 1998, FPG (tập đoàn mẹ của công ty Formosa đầu tư vào Việt Nam) đã đổ khoảng 5.000 tấn chất thải, trong đó có 3.000 tấn nhiễm thủy ngân xuống Sihanoukville - một trong những khu nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng của Campuchia.

Những thí nghiệm của các chuyên gia nước ngoài đưa ra các kết quả hàm lượng thủy ngân khác nhau nhưng tất cả đều trên mức an toàn tối thiểu. Formosa nói rằng họ sẽ gửi một nhóm tới Sihanoukville để lấy thêm các mẫu thử.

Báo chí Campuchia khi ấy cho rằng các chất thải độc hại đã lan truyền tại Sihanoukville rộng hơn so với suy nghĩ ban đầu. Tập đoàn này đã sử dụng 90 xe tải không che đậy để vận chuyển chất thải ra bên ngoài thành phố trong ít nhất 4 ngày. Theo tờ Phnom Penh Post, nhiều xe tải trong số này đã được làm sạch bên cạnh một hồ chứa lớn dùng để cấp nước uống.

Người dân địa phương được cho là đã từng sử dụng rác thải để đắp đất và bới nhặt những túi nhựa ở đây.

"Một số sử dụng những túi nhựa để đựng lúa gạo hoặc dùng trong nhà. Một người đàn ông đã từng dùng những khối rác để làm kiềng bắp bếp nấu ăn", họ nói với phóng viên.

Các chuyên gia Campuchia tiếp cận khu vực Formosa đổ chất thải tại Sihanoukville. Ảnh: BAN

Những câu chuyện về rác thải được đổ bí mật ra biển và "những bãi thải bí mật" ở một số địa điểm khác đã rung lên hồi chuông cảnh báo. Ngày 19/12/1998, cộng đồng địa phương đã tổ chức một cuộc biểu tình khi một nhân viên hãng tàu bị sa thải và một người bị chết. 3 ngày tiếp theo, thêm 4 người nữa thiệt mạng trong cuộc di dời hoảng loạn của gần 50.000 dân cư Sihanoukville.

Một công nhân bến tàu, người bốc dỡ chất thải độc hại cũng đã chết, với những triệu chứng được khẳng định là do ngộ độc thủy ngân.

Các quan chức Đài Loan sau đó cho biết một phân tích các mẫu thử do một nhóm môi trường tiến hành cho thấy chất thải độc hơn mức cho phép. Họ đã ra lệnh cho Formosa Plastics phải đưa những chất này trở lại Đài Loan.

Theo phân tích, mức phát thải thủy ngân trong chỗ rác thải này là 0,284 ppm (phần triệu). Tiêu chuẩn an toàn chỉ được 0,2 ppm. Formosa Plastics đã đặt câu hỏi về phân tích trên và quyết định tự lấy mẫu.

Báo chí Đài Loan đưa tin một phân tích do một chuyên gia người Nhật tiến hành cho thấy các chất thải có chứa hàm lượng thủy ngân cao tới 4.000 ppm và có thể gây nguy hiểm cho con người.

Đến tháng 3/1999, trưởng đoàn công tác của chính phủ Campuchia với Fomosa Plastics, ông Om Yen Tieng thông báo Phnom Penh đã ra lệnh cho tập đoàn này dọn dẹp và đưa toàn bộ số chất thải rời khỏi Campuchia.

Sau cuộc điều tra của chính phủ, Campuchia phát hiện FPG đã hối lộ 3 triệu USD cho các quan chức địa phương để vận chuyển được chỗ rác thải này. Hơn 100 quan chức Campuchia đã bị đình chỉ nhưng chỉ có 3 người bị buộc tội gây nguy hại cho tính mạng nhân dân và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, BBC đưa tin.

Vụ việc này đã gây chấn động dư luận quốc tế, làm dấy lên mối quan ngại về bảo vệ môi trường: Đó là một số khu vực tại châu Á đang trở thành bãi rác chứa những chất thải độc hại mà phần nhiều do các nước đang phát triển trong khu vực thải ra.

Bảo Linh (The Guardian)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news