Trong tuyên bố tại G7, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu EU sẽ khiến kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng.
Theo thông tin Reuters đưa ngày 27/5, tuy không phải vấn đề chính thức trong chương trình nghị sự tại G7, nhưng Thủ tướng Anh Cameron cũng muốn tranh thủ hội nghị này để kêu gọi những cử tri còn đang dao động trước cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh nên đi hay ở lại Liên minh châu Âu. Ông kêu gọi người dân hãy "lắng nghe bạn bè của chúng ta" nói về những tác động của việc Anh rời khỏi EU.
Lãnh đạo các quốc gia thuộc G7 đều hy vọng người dân Anh sẽ muốn "ở lại" khi nêu ra những nguy cơ khủng hoảng tiêu cực, đặc biệt là trong kinh tế, không chỉ với Anh mà cả châu Âu.
Dàn lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2016 ở Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Chính vì vậy, trong 32 trang tuyên bố chung của G7 có một phần liên quan đến vấn đề này: "Việc Anh rời khỏi EU sẽ làm đảo lộn xu thế thương mại và đầu tư toàn cầu, và là nguy cơ nghiêm trọng đối với sự phát triển."
Cũng trong tuyên bố chung, hàng loạt các vấn đề nóng cũng đã được liệt kê ra, như xung đột chính trị và làn sóng người tỵ nạn...
Tuyên bố này của Hội nghị G7 cũng phù hợp với những bình luận của Quĩ tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra, cho rằng không có điểm lạc quan nào về kinh tế nếu Anh rời khỏi EU.
Trong bối cảnh này, Ngân hàng Anh cũng cho biết, kinh tế Anh sẽ tụt dốc nghiêm trọng, thậm chí rơi vào một giai đoạn suy thoái.
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD cũng lên tiếng cảnh báo, bất cứ ai ủng hộ việc Anh rời khỏi EU sẽ phải đối mặt với việc đóng thuế tương đương với 1 tháng luong vào năm 2020 nếu họ rời bỏ EU.
Nghiêm Thu (tổng hợp)