Tin mới

The Diplomat: Gia đình Thủ tướng Campuchia Hun Sen giàu cỡ nào?

Thứ năm, 07/07/2016, 16:31 (GMT+7)

Trong suốt nhiều thập niên, đã có hàng loạt tin đồn liên quan đến khối tài sản thực của Thủ tướng Hun Sen và gia đình. Các mối quan hệ kinh doanh của họ bao gồm cả việc sở hữu đất đai, dẫn đến suy đoán rằng gia đình nhà lãnh đạo Campuchia sở hữu những tài khoản ngân hàng khổng lồ.

Trong suốt nhiều thập niên, đã có hàng loạt tin đồn liên quan đến khối tài sản thực của Thủ tướng Hun Sen và gia đình. Các mối quan hệ kinh doanh của họ bao gồm cả việc sở hữu đất đai, dẫn đến suy đoán rằng gia đình nhà lãnh đạo Campuchia sở hữu những tài khoản ngân hàng khổng lồ.

Theo The Diplomat, một cuộc điều tra của Global Witness dường như đã chứng minh được điều này. Theo bản báo cáo có tên Hostile Takeover được công bố hôm nay (7/7), gia đình ông Hun Sen nắm giữ cổ phần hoặc trực tiếp điều hành 114 công ty tư nhân trong nước, với giá trị tài sản lên tới 200 triệu USD.

Báo cáo này dựa trên số liệu từ đăng ký công ty của Campuchia. Theo Global Witness, hiện việc truy cập trực tuyến vào các dữ liệu này đã bị hạn chế.

Báo cáo không bao gồm giá trị tài sản đất đai mà gia đình ông Hun Sen nắm giữ. Theo các nhà quan sát, số đất đai này góp phần không hề nhỏ vào khối tài sản chung.

Theo Global Witness, con số 200 triệu USD chỉ là "một phần nhỏ trong giá trị tài sản mà gia đình ông Hun Sen" đang nắm giữ. Người đồng sáng lập Global Witness Patrick Alley nói rằng, số tài sản thật sự của gia đình ông Hun Sen dao động từ khoảng "500 triệu USD đến 4 tỷ USD", tuy nhiên, con số này chưa được xác minh.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: Internet

Báo cáo cũng nói rằng, gia đình ông Hun Sen đã "dùng tên giả và các công ty vỏ bọc" để che giấu khối tài sản khổng lồ của họ. 

Sự giàu có là một vấn đề nhạy cảm đối với ông Hun Sen bởi ông từng nói rằng ông chỉ nhận được mức lương 1.1150 USD mỗi tháng sau 30 năm làm việc. Trong những năm gần đây, sự yêu mến của người dân đối với nhà lãnh đạo Campuchia cũng suy giảm khi mà luật pháp quy định việc tích lũy của cải là không thể chấp nhận được ở một đất nước tàn lụi bởi đói nghèo.

Theo luật pháp Campuchia, quan chức phải kê khai tài sản 2 năm một lần hoặc phải đối mặt với mức phạt 500 USD, thậm chí là phạt tù một năm. Thành viên trong gia đình ông Hun Sen được đề cập đến trong báo cáo chủ yếu là Đệ nhất phu nhân Bun Rany, người gây ấn tượng với sự nhạy bén chính trị của mình khi vận hành Hội Chữ thập đỏ Campuchia.

Con gái ông Hun Sen là Mana và thượng nghị sĩ Ly Yong Phat được chọn nắm giữ cổ phần kinh doanh của họ và có mối quan hệ với đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền. Họ là hai người duy nhất có lợi ích ở cả ba phương tiện chính: phát thanh, truyền hình và báo chí.

Gia đình ông Hun Sen chụp với hai cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra (thứ hai từ phải sang, hàng phía trước) và Somchai Wongsawat (đầu tiên bên phải, hàng phía trước).

Báo cáo cũng nói rằng gia đình thủ tướng có "chìa khóa" để kéo dài tuổi thọ cho sự nghiệp chính trị của ông Hun Sen thông qua việc kiểm soát bổ nhiệm các vị trí chủ chốt trong chính trị, quân đội, cảnh sát, truyền thông và các tổ chức Từ thiện mà họ gọi là các lĩnh vực hỗ trợ cho đảng cầm quyền thông qua tuyên truyền, quyên góp chính trị hoặc bạo lực.

"Các công ty trong nước mà họ liên kết đã bị cáo buộc dính líu đến các hành vi trộm cắp đất đai, tài nguyên thiên nhiên, bạo lực và đe dọa đối với người dân địa phương và tàn phá môi trường", báo cáo cho biết.

"Ví dụ nghiêm trọng nhất là một công ty nông nghiệp bị cáo buộc đốt phá và sử dụng rắn hổ mang để lùa người dân ra khỏi nhà của họ. Sự việc này đã trở thành một trong những hồ sơ nghiêm trọng nhất tại Tòa án Hình sự quốc tế".

Những công ty này có liên kết với nhiều thương hiệu quốc tế lớn như Apple, Nokia, Visa, Unilever, Procter & Gamble, Nestlé, Durex, Honda,...

Báo cáo cho biết, hiện nay ông Hun Sen tiếp tục chủ động thu hút đầu tư nước ngoài và quảng bá Campuchia là một điểm đến đầu tư hấp dẫn với cơ chế pháp lý cởi mở và lực lượng lao động giá rẻ.

Mặc dù giàu có là vậy, song gia đình ông Hun Sen vẫn có phần lu mờ khi đặt cạnh khối tài sản của gia đình cựu thủ hiến bang Sarawak của Malaysia, ông Taib Mahmud. Các số liệu cho thấy, sau 33 năm năm giữ vị trí này, ông Mahmud đã về hưu với khối tài sản của 20 thành viên gia đình lên tới 20 tỷ USD, trở thành gia đình chính trị giàu thứ 5 trên thế giới.

Lê Huyền (The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news