Chỉ trong vòng 4 thập kỷ, căn cứ này đã tạo ra 40 tấn nguyên liệu hủy diệt, đủ cho Liên Xô sản xuất khoảng 10.000 quả bom hạt nhân.
------
Chưa đầy một tháng sau khi chế tạo thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại (mang mật danh "The Trinity"), Mỹ ném hai quả bom nguyên tử là "" và "The Fat Man" xuống lần lượt hai thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki.
Mang trong mình năng lượng chết chóc của hai nguồn nguyên liệu phóng xạ là uranium và plutonium, "The Little Boy" và "The Fat Man" trở thành vũ khí hủy diệt đáng sợ, khiến hơn 100.000 người Nhật thiệt mạng, hai thành phố trúng bom cũng bị san phẳng, hủy hoại nặng nề.
Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc nhưng lại mở ra cuộc đối đầu mới trong một kỷ nguyên mới - "kỷ nguyên hạt nhân" giữa Mỹ và Liên Xô.
Để phục vụ cho cuộc chạy đua sản xuất vũ khí nguyên tử, cả hai địch thủ của Chiến tranh Lạnh đều dốc toàn sức lực cho việc tìm kiếm nguyên liệu, chế tạo và cho nổ thử loại bom hủy diệt này.
Xoay quanh câu chuyện về vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh là rất nhiều bí mật được hai bên che giấu: Từ việc âm thầm triển khai các dự án tiêu tốn hàng tỷ USD đến những bãi thử bom bí mật, không có tên trên bản đồ, cả những hồ sơ mà đôi bên giấu nhẹm trong hàng chục năm sau khi cuộc chiến đã tàn canh...
Về phía Liên Xô, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, có ít nhất 10 thành phố "vô hình" được lập ra nhằm che giấu các hoạt động làm giàu uranium hay plutonium, phục vụ cho việc sản xuất vũ khí nguyên tử. - mật danh "thành phố vô hình" của Liên Xô là một địa điểm tuyệt mật như thế.
Khi Liên Xô âm thầm thực hiện kế hoạch bí mật, phương Tây có đủ lý do để lo sợ!...
Hai tuần sau khi Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, giới lãnh đạo Liên Xô quyết định bước chân vào cuộc đua sản xuất vũ khí hủy diệt với Mỹ.
Lavrentiy Pavlovich Beria - Nguyên soái Liên Xô đồng thời là người phụ trách an ninh quốc gia thời đó, là người trực tiếp lãnh đạo nhóm chuyên gia vũ khí hàng đầu của Liên Xô thực hiện dự án chế tạo bom nguyên tử.
Trước yêu cầu cấp bách của giới lãnh đạo, ngày 29/8/1949, nhóm của Lavrentiy Pavlovich Beriya chế tạo và cho nổ thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nước mình.
Cuộc đua vũ khí hủy diệt, đối với người Liên Xô, chỉ mới bắt đầu. Nhu cầu khổng lồ về plutonium lớn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, lúc này Liên Xô vướng vào một vấn đề: Hậu quả khủng khiếp gì sẽ xảy ra nếu các cơ sở làm giàu plutonium của họ bị tấn công?
Tiên liệu sớm điều này, năm 1950, Nguyên soái Beria gửi một bức thư đến lãnh đạo Joseph Stalin, mô tả sự cần thiết cho một cơ sở làm giàu plutonium ở vùng núi của Krasnoyarsk Krai (đây là đơn vị vùng lớn nhất của Liên Xô với diện tích 2.339.700 km2, chiếm 13% diện tích của toàn Liên Xô).
Theo phác thảo của Beria, đây sẽ là cơ sở ngầm vừa tránh được con mắt nhòm ngó của tình báo Mỹ, cũng như bảo vệ được lượng plutonium đã làm giàu quý giá.
Lãnh đạo Joseph Stalin nhanh chóng đồng ý với kế hoạch của Beria. Nguyên soái nổi tiếng với khả năng lãnh đạo cứng rắn này tức tốc thuyên chuyển hàng chục nghìn thợ mỏ, công nhân, thậm chí là tù nhân từ nhiều nơi đến vùng rừng taiga rộng lớn để xây dựng căn cứ ngầm mang mật danh Combine No. 815 tại vùng Krasnoyarsk Krai rộng lớn.
Một năm sau khi Combine No. 815 đi vào xây dựng, ước tính đã có gần 30.000 người bí mật dốc sức đào sâu vào lòng núi bất kể ngày đêm.
Trong gần 8 năm, khoảng 30.000 công nhân miệt mài đào đường hầm sâu 230m vào ngọn núi ở vùng Siberia. Ảnh: Boredomtherapy
Cuối cùng, vào ngày 28/8/1958, gần 8 năm sau khi dự án được bắt đầu, Combine No. 815 (về sau đổi thành tên Mining & Chemical Combine) chính thức đi vào hoạt động.
Nằm sâu hàng trăm mét trong lòng một ngọn núi vùng Siberia, mục đích tồn tại duy nhất của Combine No. 815 là làm giàu plutonium - nguồn nguyên liệu tối quan trọng cho cuộc chạy đua hủy diệt của Liên Xô với Mỹ.
Lý do Liên Xô chọn ngọn núi này làm địa điểm tối mật để sản xuất plutonium đều xuất phát từ những tính toán kỹ lưỡng của Nguyên soái Beria. Thứ nhất, kết cấu đá của núi này là đá granit - rất bền chắc; thứ hai, tại sao người ta lại đào sâu 230m trong lòng núi? Đó là bởi, ở độ sâu này, một vụ tấn công bom hạt nhân cũng không thể chạm tới! Do đó, "mỏ" plutonium đã được làm giàu sẽ không hề hấn gì.
Yên tâm trước một căn cứ tuyệt mật và an toàn đó, Liên Xô bắt đầu hành trình chế tác thứ nguyên liệu ẩn chứa sự hủy diệt khổng lồ. Đối với thế giới, đặc biệt là địch thủ của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh (là Mỹ) thì căn cứ này tựa như một cơn ác mộng thực sự!
Nếu như người Mỹ có công phát minh ra plutonium (vào ngày 14/12/1940, của một nhóm các nhà khoa học do nhà vật lý hạt nhân người Mỹ Glenn Theodore Seaborg (1912-1999) đứng đầu), thì người Liên Xô nhanh chóng có được chìa khóa để sản xuất loại nguyên liệu quý giá này.
Nép mình trong vùng hoang dã lạnh lẽo của Siberia, thành phố mang mật danh Krasnoyarsk-26 là nơi căn cứ Combine No. 815 tồn tại bí mật nhằm thực hiện sứ mệnh sản xuất plutonium, thành phần quan trọng trong hầu hết vũ khí hạt nhân.
Trong vòng 4 thập kỷ kể từ ngày chính thức hoạt động, Combine No. 815 đã tạo ra 40 tấn nguyên liệu hủy diệt, đủ cho Liên Xô sản xuất khoảng 10.000 quả bom hạt nhân!*
Có khoảng 100.000 người sinh sống và làm việc tại Krasnoyarsk-26, trong đó, 8.000 người làm việc trực tiếp tại Combine No. 815. Chính phủ Liên Xô cung cấp cho họ một cuộc sống trong mơ với nhà cửa, thực phẩm hảo hạng và quần áo loại xịn.
Họ có thể có bất cứ thứ gì tại các siêu thị lớn trong vùng với một chế độ lao đông không thể ưu ái hơn. So với mức sống của người dân Liên Xô bấy giờ, họ thực sự sống một cuộc sống xa xỉ!
Tất nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó...
Cái giá của danh xưng "bá vương hạt nhân" mà Liên Xô sau này có được (nhờ sự kiện thử thành công quả "bom vua" Sa Hoàng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại vào ngày 30/10/1961 - ), chính là cuộc sống bị cô lập của hàng nghìn người trong nhung lụa; và sinh mạng mỏng manh trước khả năng hủy diệt đến tận xương tủy của chất phóng xạ.
Vì là nơi ẩn giấu căn cứ sản xuất nguyên liệu hủy diệt (plutonium), lẽ dĩ nhiên, không có gì đảm bảo rằng gần 10.000 công nhân làm việc trực tiếp tại Combine No. 815 không bị nhiễm phóng xạ. Chưa hết, chất thải phóng xạ hoàn toàn có thể ngấm vào đất, nước và hủy hoại môi sinh, môi trường, và ảnh hưởng đến sức khỏe của những người sống tại Krasnoyarsk-26.
Hàng trăm nghìn người không được phép rời khỏi thành phố và phải cắt đứt mọi liên lạc với phần còn lại của thế giới! Bởi đường dây điện thoại duy nhất tồn tại ở Krasnoyarsk-26 được sử dụng bởi người đứng đầu Krasnoyarsk-26 nhằm liên lạc với các lãnh đạo ở Moskva.
Từ "plutonium" bị tước khỏi từ vựng của 100.000 con người sinh sống tại đây. Nếu có ai hỏi, họ phải nói đang làm việc tại một mỏ quặng sắt hoặc sống trên một căn cứ quân sự. Vì thành phố không có tên trên bản đồ chính thức của Liên Xô nên người dân sống tại đây gọi nó là Krasnoyarsk-26.
Một tháp canh gần hàng dây thép gai bao quanh Krasnoyarsk-26. Ảnh: Boredomtherapy
Krasnoyarsk-26 tựa như một pháo đài "nội bất xuất - ngoại bất nhập". Mọi động thái của họ đều trong tầm ngắm của các điệp viên KGB. Ngoài hệ thống dây thép gai dày đặc bao quanh khu vực, người ta còn trang bị quân đội vũ trang cùng vũ khí tối tân có khả năng ứng chiến bất cứ lúc nào nếu phát hiện đột nhập hoặc đào tẩu.
Thành phố ven sông Yenissei tuyệt mật đến mức, 8 năm sau ngày Liên Xô sụp đổ (năm 1991), Krasnoyarsk-26 vẫn được bảo vệ trong bí mật. Thậm chí, đến tên thật của nó cũng bị ẩn danh bằng một cái tên khác là Zheleznogorsk.
Tất nhiên, Krasnoyarsk-26 không thể chìm trong bí mật mãi mãi, đặc biệt trong con mắt dòm ngó đủ tỉnh táo của tình báo Mỹ. Năm 1962, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) công bố một bản báo cáo về việc Liên Xô đang bí mật "chạy" một cơ sở sản xuất plutonium "ở một nơi nào đó" trong vùng Krasnoyarsk Krai.
CIA đã đúng về sự tồn tại của một căn cứ bí mật sản xuất plutonium mà Liên Xô đang thực hiện. Tuy nhiên, mọi việc chỉ dừng ở đó bởi địa điểm chính xác của căn cứ đó không hề được tình báo Mỹ phát hiện. Đởn giản vì nó nằm sâu 230m trong lòng núi, đủ an toàn trước một vụ tấn công của bom hạt nhân!
Ảnh minh họa.
Hơn 4 thập trải qua Chiến tranh Lạnh, cả Mỹ và Liên Xô đều là những nước khiến thế giới bất ngờ và lo sợ. Đã có lúc, xung đột hạt nhân tưởng chừng đã xảy ra sau những căng thẳng và động thái đáng ngờ từ hai bên.
Tuy vậy, nếu nhìn dưới góc độ khoa học và tiến bộ của loài người, cuộc chiến "cân não" này phần nào giúp con người có được những phát kiến vũ trụ vĩ đại cũng như những phát minh về hóa học giúp cải thiện cuộc sống về sau.
*Dữ liệu: CBSNews
Bài viết sử dụng các nguồn: New York Times, CBS News, Boredomtherapy
Trang Ly
Theo Helino/ Trí thức trẻ