Tin mới

Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội thêm 14 ngày, yêu cầu người dân 'ai ở đâu thì ở đó'

Thứ sáu, 06/08/2021, 18:12 (GMT+7)

Sau 2 tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, chiều 6/8, UBND Hà Nội chính thức gia hạn thời gian áp dụng biện pháp này đến 6h ngày 23/8 trên phạm vi toàn thành phố để phòng, chống dịch COVID-19.

Chiều 6/8, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 18 về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến 6h ngày 23/8 trên phạm vi toàn TP để phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị số 17 của UBND TP.Hà Nội ngày 23/7. Triển khai đảm bảo thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó”.

Công điện của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Công điện của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Đề nghị tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể trên địa bàn Thành phố thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh và quy định cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 17. Bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp trong trường hợp thật sự cần thiết như: trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp bách cần thiết khác theo yêu cầu gắn với trách nhiệm của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị và việc kiểm tra giám sát của chính quyền các cấp tại cơ sở.

Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 29/4, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 1.559 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, chưa kể hơn 200 ca mắc trong các bệnh viện tuyến Trung ương. Ảnh minh hoạ
Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 29/4, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 1.559 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, chưa kể hơn 200 ca mắc trong các bệnh viện tuyến Trung ương. Ảnh minh hoạ

Đề nghị chính quyền cơ sở nghiên cứu kỹ các văn bản, quyết định, hướng dẫn của Trung ương và Thành phố để chủ động linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện đảm bảo công tác phòng chống dịch được kịp thời, hiệu quả, thực chất và phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế của từng địa phương.

Chính quyền cơ sở thường xuyên tuyên truyền, kiểm soát việc thực hiện nghiêm biện pháp giãn cách xã hội, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, sẵn sàng trong mọi tình huống phát sinh.

Từ ngày 5/7, thành phố liên tiếp phát hiện thêm nhiều chuỗi lây nhiễm phức tạp, số lượng F0 lớn liên quan Nhà thuốc Đức Tâm (Đống Đa), Công ty thực phẩm Thanh Nga (Hai Bà Trưng). Ảnh minh hoạ
Từ ngày 5/7, thành phố liên tiếp phát hiện thêm nhiều chuỗi lây nhiễm phức tạp, số lượng F0 lớn liên quan Nhà thuốc Đức Tâm (Đống Đa), Công ty thực phẩm Thanh Nga (Hai Bà Trưng). Ảnh minh hoạ

Tại các khu vực có nguy cơ (vùng da cam) gồm nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, chính quyền cơ sở phê duyệt phương án phòng chống dịch, chỉ cho hoạt động khi đảm bảo quy định phòng dịch.

Quận, huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát qua việc tiếp nhận ý kiến giám sát của nhân dân trên địa bàn hoặc qua công tác kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở.

Mỗi cán bộ, công chức, người lao động, người dân nghiêm túc chấp hành việc khai báo y tế bằng mã QR khi đến làm việc, lao động hoặc mua sắm.

UBND Hà Nội yêu cầu đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, đặc biệt ở khu vực cách ly, phong tỏa; bảo đảm không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc; đồng thời, đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế, sức khỏe, tinh thần cho người dân.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news

Chuyên gia y tế: Yêu cầu người dân về quê ăn Tết phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém

Liên quan đến việc một số địa phương yêu cầu người dân về quê ăn Tết phải có kết quả xét nghiệm COVID-19, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, Bộ Y tế quy định không chỉ định xét nghiệm, cách ly không cần thiết mà chỉ xét nghiệm với người có điều tra dịch tễ và chỉ cách ly F1 tại nhà.