Trung Quốc hôm 6/1 tiếp tục cho hai máy bay dân sự thử nghiệm hạ cánh xuống đường băng trên đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Tân Hoa xã đưa tin, hai máy bay thuộc hai hãng hàng không Hải Nam và Phương Nam xuất phát từ sân bay Mỹ Lan, Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam đã hạ cánh xuống đá Chữ Thập của Việt Nam vào lúc 10h21 và 10h46 ngày 6/1. Đến chiều cùng ngày, hai máy bay này đã trở lại Hải Nam.
"Các chuyến bay thử thành công chứng tỏ rằng sân bay có năng lực đảm bảo hoạt động an toàn cho máy bay dân sự cỡ lớn", bản tin của Tân Hoa xã cho biết.
Đây là lần thứ hai Trung Quốc đưa máy bay thử nghiệm trái phép tại Trường Sa chỉ trong vòng chưa đầy một tuần.
Truyền thông Trung Quốc đăng ảnh một máy bay hạ cánh trái phép xuống đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông. Ảnh: News.cn |
Vụ việc diễn ra không lâu sau khi Việt Nam gửi công hàm phản đối lần thử nghiệm đầu tiên của Trung Quốc hôm 2/1.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 2/1 khẳng định việc Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm ở đá Chữ Thập đã "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa", và "yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự".
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết Manila đang lên kế hoạch hành động tương tự nhằm phản đối Trung Quốc.
Mỹ cũng bày tỏ quan ngại việc làm của Trung Quốc nhắm tới các mục đích quân sự, làm gia tăng căng thẳng và đe dọa ổn định khu vực.
Đường băng do Trung Quốc xây trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS |
Theo nhận định của giới quan sát, các đường băng do Trung Quốc xây dựng đủ dài để các máy bay ném bom tầm xa, các chiến đấu cơ tốt nhất của Bắc Kinh cùng máy bay vận tải có thể hoạt động. Giới quan sát cũng lo ngại Trung Quốc sẽ sớm xây dựng các cơ sở quân sự cho việc xây dựng Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) mới.
Đường băng ở đá Chữ Thập do Trung Quốc xây dựng có chiều dài 3.000 m, là một trong ba đường băng Bắc Kinh thực hiện trái phép trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Khi được đưa vào hoạt động, các đường băng này sẽ giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á cũng như kiểm soát Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới.
Lê Huyền (tổng hợp)