Quách Bá Hùng là "hổ lớn" quân đội mới nhất bị sa lưới trong chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đằng sau chiến dịch nhắm vào những “hổ lớn” này, ông Tập đang muốn gửi thông điệp đanh thép đến ai?
Hôm 4/4, chính phủ Trung Quốc thông báo thêm một "con hổ" mới nhất sa lưới chiến dịch chống tham nhũng trên phạm vi rộng lớn của ông Tập Cận Bình là Quách Bá Hùng. Quách Bá Hùng, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương (CMC) và Tướng về hưu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thừa nhận đã nhận hối lộ 12,3 triệu USD. Tân Hoa xã dẫn tài liệu từ Viện kiểm sát quân sự của PLA nói rằng, điều tra cho thấy Quách Bá Hùng đã lợi dụng vị trí của mình để "chuộc lợi, thăng quân hàm chức vụ cho người khác, trực tiếp hoặc gián tiếp nhận hối lộ thông qua người nhà, vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng". Quách Bá Hùng rời vị trí ở CMC vào năm 2012.
Thông báo cho rằng việc phạm tội của Quách trong quá khứ không có gì đáng ngạc nhiên. Mùa hè năm ngoái, Quách Bá Hùng trở thành quan chức quân sự cấp cao nhất bị trục xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc sau Từ Tài Hậu - một cựu phó chủ tịch CMC khác (Từ Tài Hậu đã chết trong nhà giam khi đang chờ xét xử tội tham nhũng). Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lại bản báo cáo về việc Quách Bá Hùng bị định tội gần như nguyên văn báo cáo đã dùng khi đưa tin về lời thú tội của ông này hồi đầu tuần.
Chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" của ông Tập Cận Bình đã khiến nhiều quan chức Trung Quốc sa lưới. Ảnh: EPA |
"Hành vi của ông ta đã vi phạm kỷ luật đảng và gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng", Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết vào thời điểm đó.
Bên cạnh đó, con trai Quách Bá Hùng là Quách Chính Cương, một thiếu tướng PLA và là cựu phó chính ủy quân khu Chiết Giang cũng bị điều tra vào năm ngoái vì cáo buộc tham nhũng.
Việc truy tố Quách Bá Hùng đóng hai vai trò quan trọng. Trước hết, Quách Bá Hùng nắm giữ vị trí có ảnh hưởng rất lớn đối với quân đội Trung Quốc dưới thời chủ tịch Giang Trạch Dân. Mặc dù chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình bề ngoài là "đả hổ diệt ruồi" (ý nói bao gồm cả quan chức cấp cao và cấp thấp), song những "con hổ" thường có liên kết chính trị với Giang Trạch Dân. Quách Bá Hùng cùng với Từ Tài Hậu từng là những "tâm phúc" trong quân đội được Giang Trạch Dân tin tưởng nhất. Như Bo Zhiyue từng nói trên The Diplomat, cả Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu đều năm giữ vị trí phó chủ tịch Quân ủy trung ương dưới thời Giang Trạch Dân.
Quách Bá Hùng thừa nhận đã nhận hối lộ 12,3 triệu USD. Ảnh: Reuters |
Sự sa lưới của Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu củng cố quan điểm cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình đang nhắm vào Quân đội Giải phóng nhân dân, tìm cách tấn công vào những ảnh hưởng còn lại của Giang Trạch Dân. Đặc biệt, việc "giăng lưới" với Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu sau khi hai "hổ lớn" này đã về hưu là tín hiệu mạnh mẽ mà Tập Cận Bình muốn gửi đến các nhà lãnh đạo cấp cao khác của PLA dưới thời Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, cảnh báo họ tránh xa việc can thiệp vào công việc quân đội.
Việc chống tham nhũng cũng như kéo bè kết phái trong chiến dịch của Tập Cận Bình không hề mới lạ. Chẳng hạn, số phận của những "con hổ" bị sa lưới trong chiến dịch đã gây ra những tin đồn ở Trung Quốc rằng một nhóm các cựu quan chức, mà vài người trong số đó có liên kết ới Giang Trạch Dân và số khác thì liên kết với Bạc Hy Lai và nhóm có khuynh hướng "Tân tả" (New Left) ở Trung Quốc đã âm mưu làm suy yếu, thậm chí là lật đổ vai trò lãnh đạo của Tập Cận Bình. Lệnh Kế Hoạch, Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu đều bị cáo buộc có liên quan đến những âm mưu này.
Cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu qua đời |
Thứ hai, việc truy tố Quách Bá Hùng vào đúng thời điểm diễn ra cuộc cải cách lớn và thay đổi cơ cấu trong PLA. Việc tái cơ cấu đang diễn ra đã được Tập Cận Bình khởi xướng vào mùa thu năm ngoái và đại diện cho suy nghĩ cấp tiến về việc cơ cấu lại lực lượng vũ trang Trung Quốc kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa được thành lập vào năm 1949. Như một phần của những cải cách, Tập Cận Bình đã tìm cách để duy trì kiểm soát đối với PLA như một tổng tư lệnh, củng cố những vị trí quyền lực sẵn có của một chủ tịch quân ủy trung ương. Việc chống tham nhũng cấp cao đã cho thấy sự suy yếu trong bộ máy lãnh đạo cấp cao của PLA.
Với việc lật đổ Quách Bá Hùng và trước đó là Từ Tài Hậu, Tập Cận Bình và Vương Kỳ Son, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, đồng thời là người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật trung ương, đã gửi đi thông điệp rõ ràng rằng, một PLA mới sẽ không dung thứ cho bất cứ lãnh đạo quân sự cấp cao nào thiếu lòng trung thành với CMC. Rút kinh nghiệm từ Mao Trạch Đông trong cuộc Cách mạng văn hóa, hơn ai hết, Tập Cận Bình hiểu rõ giá trị của việc khẳng định quyền kiểm soát cá nhân trong quân đội.
Lê Huyền (The Diplomat)