Các sĩ quan hải quân cấp cao của Mỹ đã tới thăm tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc trong tuần này giữa lúc 2 nước vẫn đang duy trì quan hệ quân sự bất chấp căng thẳng gia tăng do yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Phái đoàn gồm 27 sĩ quan cấp cao hải quân Mỹ đã tới thăm tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Sina |
Chuyến thăm của phái đoàn gồm 27 chỉ huy hải quân Mỹ tới tàu sân bay Liêu Ninh - được trang bị lại từ tàu sân bay cũ của Liên Xô - diễn ra khi Washington được cho là đưa tàu chiến tới vùng biển quốc tế mà Trung Quốc đòi yêu sách. Động thái này của Mỹ đã chọc giận Bắc Kinh.
Các chỉ huy của Mỹ đã trao đổi với những người đồng nghiệp Trung Quốc về các chủ đề như "đào tạo và quản lý nhân lực, hỗ trợ y tế và chiến lược phát triển tàu sân bay", theo thông tin trên trang microblog chính thức của hải quân Trung Quốc.
Cuyến thăm không được công bố rộng rãi trên truyền thông Trung Quốc cho tới hôm nay, 21/10.
Ngày 20/10, phái đoàn Mỹ đã tới thăm trường tàu ngầm của hải quân Trung Quốc, microblog cho biết. Đây nhằm đáp lại chuyến thăm kéo dài 1 tuần của các sĩ quan hải quân Trung Quốc tới Mỹ hồi tháng 2.
Quan hệ Trung-Mỹ ngày càng căng thẳng sau khi Bắc Kinh tiếp tục đòi yêu sách lãnh thổ tại Biển Đông.
Washington đang cân nhắc các chiến dịch thực thi tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có chuyến thăm nước ngoài chính thức đầu tiên tới tàu Liêu Ninh vào năm 2014. Động thái này khi ấy được xem như nỗ lực làm minh bạch bản thân của quân đội Trung Quốc.
Mặc dù vậy, chương trình tàu sân bay của Trung Quốc, một bí mật nhà nước vẫn rất ít được biết tới.
Truyền thông Trung Quốc đã bóng gió rằng những tàu mới đang được xây dựng. Trong một báo cáo hồi đầu năm nay của mình, Lầu Năm Góc cũng cho biết Bắc Kinh có thể chế tạo nhiều tàu sân bay trong vòng 15 năm tới.
Các tàu sân bay là yếu tố quan trọng trong việc phát triển hải quân "nước xanh" có thể bảo vệ các lợi ích đang phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi Trung Quốc thông qua một lập trường cứng rắn hơn tại trong những tranh chấp hàng hải.
Bảo Linh (theo Reuters)