Trước thông tin Hàn Quốc muốn nối lại đàm phán với Triều Tiên để giảm căng thẳng, phản ứng của Nhật Bản và Trung Quốc lại hoàn toàn khác nhau.
Sau vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM của Triều Tiên hôm 4/7 vừa qua, Hàn Quốc đã lên tiếng thể hiện mong muốn được tổ chức một cuộc họp với Bình Nhưỡng vào thứ 6 tuần này (21/7) tại làng Panmunjom. Theo Seoul, cuộc họp nhằm giảm bớt căng thẳng biên giới xảy ra tại khu vực bán đảo.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. |
Nếu diễn ra, cuộc họp sẽ là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Hàn Quốc và Triều Tiên kể từ tháng 12/2015.
Tuy nhiên, ngay sau khi Hàn Quốc bày tỏ mong muốn, chính phủ Nhật Bản đã phủ nhận nỗ lực đàm phán với Bình Nhưỡng và nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu là tiếp tục gây sức ép và trừng phạt Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nhật Bản, ông Norio Maruyama cho biết, "bây giờ chưa phải lúc để đối thoại. Các nước cần gây thêm áp lực để tiến tới một cuộc đối thoại nghiêm túc."
Hiện Nhật Bản đã bổ sung thêm một số biện pháp trừng phạt với Triều Tiên, như cấm vận dầu mỏ, cấm người lao động Triều Tiên, cấm tàu bè Triều Tiên trao đổi tại mọi cảng cũng như thắt chặt mọi hoạt động buôn bán với quốc gia này. Tokyo cũng không ngừng nhắc nhở Trung Quốc và Nga tiếp tục kiểm soát kinh tế đối với Triều Tiên.
Thế nhưng, trái ngược với thái độ phản đối kịch liệt của Nhật Bản, Trung Quốc lại "hoan nghênh" nỗ lực của chính quyền tân Tổng thống Moon Jae In.
Hôm qua 17/7, trong buổi họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhấn mạnh, "Trung Quốc tin rằng đối thoại để cải thiện mối quan hệ là phù hợp với lợi ích của cả Hàn Quốc và Triều Tiên, giúp thúc đẩy hòa giải và hợp tác".
Theo ông Lục, Bắc Kinh "kỳ vọng" hai nước Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực theo hướng tích cực để mở đường tái khởi động đối thoại song phương.
Nghiêm Thu (tổng hợp)