Sau khi lệnh cấm đánh bắt cá mà Bắc Kinh đơn phương áp đặt kéo dài từ giữa tháng 5 hết hiệu lực, hàng chục nghìn tàu cá Trung Quốc sẽ đổ ra Biển Đông.
Theo China News, hàng chục nghìn tàu cá tại ba tỉnh Hải Nam, Quảng Đông và Quảng Tây đã chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và đang chờ lệnh cấm đánh bắt cá hết hiệu lực để tiến vào Biển Đông.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão Nida, chỉ những tàu đánh bắt gần bờ mới ra khơi trưa 1/8. Những tàu đánh bắt xa bờ sẽ khởi hành sau ngày 5/8.
Trung Quốc hồi tháng 5 đơn phương cấm đánh bắt cá đối với ngư dân nước này lẫn ngư dân các nước khác trên Biển Đông từ 12h ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8. Trong thời gian áp đặt lệnh cấm, Trung Quốc tuyên bố tăng cường sử dụng các tàu chấp pháp để "giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm".
Tàu cá Trung Quốc ra khơi từ tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc hôm 1/8/2015. Ảnh: Tân Hoa xã |
Khu vực Trung Quốc áp đặt lệnh cấm nằm trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm một phần Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough.
Theo học giả Trương Hồng Châu tại Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore), Trung Quốc đang xây dựng một đội tàu đánh cá cho lực lượng dân quân biển ở Biển Đông.
Theo ông, việc Trung Quốc tăng cường lực lượng nói trên đe dọa leo thang căng thẳng trong khu vực bởi họ có thể lợi dụng chiêu bài yêu nước để tiến hành các hoạt động trái phép, như đánh bắt trộm san hô, rùa biển… hoặc xâm phạm lãnh hải nước khác.
Chuyên gia này cho rằng, điều đáng lo ngại hơn là lực lượng này có thể được sử dụng cho những hoạt động phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có vơ vét tài nguyên biển.
Tạp chí The Diplomat đánh giá, đây là lần đầu tiên lực lượng dân quân biển Trung Quốc có đội tàu cá của riêng mình, không còn phụ thuộc vào tàu cá của ngư dân hoặc công ty để thực hiện các nhiệm vụ như cứu hộ tàu mắc kẹt, đổ bộ lên đảo…
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực. Việt Nam phản đối việc Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, kiên quyết bác bỏ quyết định vô giá trị này.
Tòa Trọng tài thường trực (PCA) hôm 12/7 đã ra phán quyết bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông, đồng thời khẳng định những thực thể mà nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông không có giá trị tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Bắc Kinh đã ngang ngược tuyên bố không công nhận phán quyết này, song văn bản từ PCA vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ từ các nước lớn như Mỹ, Nhật, một số quốc gia châu Âu…
Lê Huyền (tổng hợp)