Theo NYT, trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Cuba 1962, 90% các thành phố của Mỹ có nguy cơ bị san bằng nếu Liên Xô tấn công hạt nhân.
Trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên đang leo thang căng thẳng, hôm 17/4 vừa qua, tờ The NewYork Times (NYT-Mỹ) nhận định tình hình Triều Tiên hiện nay tương đồng với cuộc kéo dài 13 ngày từ 14/10 đến 28/10/1962.
Theo Giáo sư Đại học Havard Arthur Schlesinger, người từng làm trợ lý đặc biệt của cố Tổng thống Mỹ John Kennedy, "đây không chỉ là thời khắc nguy hiểm nhất trong giai đoạn chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô mà còn là thời khắc nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại”.
NYT cho hay, cuộc khủng hoảng đã trôi qua hơn 40 năm nhưng khi biết sự thật bất ngờ do hồ sơ tuyệt mật phía Moscow tiết lộ, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara kinh ngạc đến nỗi ngã khỏi ghế bởi những điều mà Mỹ không ngờ tới suýt nữa đã đẩy nhân loại vào bước đường cùng.
Tổng thống John F. Kennedy gặp Thượng tướng Richard Heyser và Tư lệnh Không quân Curtis LeMay tại Nhà Trắng thảo luận vấn đề máy bay U-2 thăm dò Cuba. Ảnh: AP
Nguy cơ đại chiến tranh hạt nhân
Thứ nhất, Mỹ đánh giá thấp hỏa lực của Liên Xô bố trí tại Cuba cũng như quân số và trình độ vũ trang của quân đội Cuba.
Trong báo cáo trình Tổng thống Mỹ ngày 20/10/1962, tướng McNamara nhận định, ở Cuba có khoảng sáu đến tám nghìn nhân viên kỹ thuật quân sự của Liên Xô. Thực tế, năm đó, Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô đã quyết định điều động 50.847 binh sĩ tới Cuba.
Hệ thống tấn công của quân đội Liên Xô đóng tại Cuba là sư đoàn tên lửa chiến lược 43 gồm 5 tổ hợp tên lửa đạn đạo hành trình tầm trung.
Nhằm bảo vệ hệ thống tên lửa đạn đạo chiến lược, Liên Xô còn bố trí 4 binh đoàn bộ binh được cơ giới hóa với tổng quân số hơn mười ngàn người, trang bị 124 xe tăng T-54, 12 xe lội nước, 280 xe bọc thép, 36 bệ phóng tên lửa chống tăng, 40 pháo phản lực Katyusha và 60 tên lửa đạn đạo tầm ngắn với tầm bắn 50km.
Theo đánh giá của CIA, quân đội Cuba chỉ là đội quân du kích, sức chiến đấu về cơ bản không đáng kể. Trên thực tế, lực lượng chính quy của Cuba gồm quân số lên tới 270.000 quân, 394 xe tăng T-54, 888 pháo cao xạ, và gần 1.000 pháo hạng nặng, 180 tên lửa đất đối không, một đại đội tên lửa hành trình tầm ngắn, 41 chiến đấu cơ, 13 tàu ngầm và tàu lội nước. Sức chiến đấu rất mạnh.
Theo NYT, do người tiền nhiệm Dwight D. Eisenhower đã triển khai "chiến lược trả đũa quy mô lớn" nên Kennedy đã kế thừa được khả năng tấn công hạt nhân chiến lược hùng mạnh. Tuy nhiên, năng lực chiến đấu của quân chính quy lại rất yếu.
Năm đó, quân Mỹ thiếu đạn dược phục vụ quân đội chính quy, hơn nữa lại không có đủ tàu đổ bộ để vận chuyển xe tăng lên bờ. Theo kế hoạch tác chiến của Hội đồng tham mưu, Lục quân Mỹ tấn công Cuba chỉ có 4 sư đoàn với quân số khoảng 120.000 binh sĩ. Xét về quân số trên bộ và số lượng xe tăng của hai bên, rõ ràng Mỹ không có ưu thế.
Thứ hai, Mỹ tiếp tục đánh giá thấp số lượng đầu đạn hạt nhân bố trí tại Cuba cũng như khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật của Liên Xô.
Máy bay trinh sát của Mỹ phát hiện Liên Xô bố trí tại Cuba bệ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung và các tên lửa chiến lược chiến thuật khác.
Máy bay U-2 chụp ảnh tàu hải quân Liên Xô chở tên lửa cập cảng Cuba. Ảnh: Cơ quan tình báo trung ương Mỹ CIA
Dựa vào đó, các nhà hoạch định Mỹ giả định đầu đạn hạt nhân đã được vận chuyển đến Cuba, nếu không sẽ vô nghĩa khi Liên Xô mạo hiểm triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung với số lượng lớn. Tuy nhiên, Washington chưa bao giờ xác minh được việc có tồn tại đầu đạn hạt nhân ở đây không và họ cũng không nắm được khả năng Liên Xô kích hoạt các đầu đạn hạt nhân.
Các tướng lĩnh cao cấp Mỹ cho rằng, chỉ dựa vào vũ khí chính quy cũng có thể giành thắng lợi trước Cuba nên Lục quân Mỹ không nhất thiết phải trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật. Lực lượng này thậm chí còn không chuẩn bị cho khả năng Liên Xô tấn công hạt nhân trước.
Theo NYT, Mỹ không hề biết sự thật bất ngờ rằng, Liên Xô không những đã triển khai tại Cuba hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung trang bị đầu đạn hạt nhân và hơn 100 hệ thống vũ khí hạt nhân chiến thuật - đủ để "thổi bay" lực lượng Lục quân và Hải quân Mỹ tấn công Cuba.
The hồ sơ tuyệt mật phía Nga, về vũ khí hạt nhân chiến lược, Liên Xô đã bố trí tại Cuba 3 hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung, 24 bệ phóng tên lửa tầm trung SS-4, với tổng số 42 quả tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên tới 2.080km, có thể vươn tới NewYork hay Washington D.C, 36 đầu đạn hạt nhân được trang bị, sức mạnh công phá của mỗi đầu đạn gấp 71 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.
Liên Xô còn dự định triển khai tại Cuba 02 hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung, 16 bệ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung, 24 tên lửa đạn đạo với tầm bắn 3700km, có thể công phá 90% các thành phố Mỹ, sức mạnh mỗi đầu đạn hạt nhân tương đương với trọng lượng 1-2 triệu tấn thuốc nổ.
Trong khi Mỹ bắt đầu chiến dịch phong tỏa trên biển, bệ phóng cho một hệ thống tên lửa đạn đạo SS-5 cùng với toàn bộ đầu đạn hạt nhân trang bị cho 2 hệ thống SS-5 đều không có khả năng bắn tới được Cuba.
Theo quy định, không có sự phê chuẩn của Moscow, quân đội Liên Xô đồn trú tại Cuba không có quyền tấn công hạt nhân, tuy nhiên, tướng Nikita Khrushchev được ủy quyền chỉ huy tạm thời trong thời khắc nguy cấp mất liên lạc với Moscow.
Tàu khu trục USS Barry và máy bay tuần duyên Mỹ theo dõi tàu chở hàng Anosov của Liên Xô năm 1962 - Ảnh: The Miami Herald
Trong khi đó, tên lửa đạn đạo hạt nhân của Liên Xô không được trang bị hệ thống khóa điện tử, không thể tránh được việc tự động phóng khi chưa được nhấn nút khởi động. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin liên lạc của quân đội Liên Xô tại Cuba xây dựng chưa hoàn thiện, đường liên lạc điện tín không dây không ổn định khiến tín hiệu từ Moscow chập chờn.
Cơ chế phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân trên thực tế do các sỹ quan chỉ huy tại mỗi bệ phóng kiểm soát.
Mc Namara sau khi nhận được tin này đã thốt lên kinh ngạc: “Thật đáng sợ!”, bởi nếu như quân Mỹ không kích hoặc xâm nhập vào Cuba thì 99% nổ ra cuộc chiến tranh hạt nhân.
Theo đó, quân đội Mỹ sẽ không thể không sử dụng vũ khí hạt nhân phản kích, hơn nữa họ sẽ nhanh chóng mở rộng quy mô thành cuộc đại chiến hạt nhân thế giới, “hậu quả sẽ là thảm họa tồi tệ nhất từ trước tới nay", NYT dẫn lời tướng McNamara.
Ba sự kiện kịch tính
Đặc biệt trong ngày thứ Sáu 27/10/1962 bất ngờ xảy ra ba sự kiện kịch tính suýt đưa thế giới đến bờ vực chiến tranh hạt nhân.
Theo đó, sáng sớm một máy bay trinh sát U-2 của Mỹ do thám tại trận địa tên lửa đạn đạo của Liên Xô đã bị tên lửa đạn đạo phòng không SA-2 bắn rơi, phi công trên chuyến bay đã thiệt mạng.
NTY cho hay, phái diều hâu trong Bộ tổng tư lệnh không quân Mỹ cho rằng phía Liên Xô đã công khai khiêu chiến nên chủ trương chủ động tấn công.
Không quân Mỹ quyết định điều động máy bay chiến đấu F-100 tấn công trận địa tên lửa phòng không Liên Xô. Sau khi trình phương án tác chiến được trình lên Bộ Quốc phòng và Nhà Trắng, Tổng thống Kennedy đã cân nhắc và cuối cùng phủ quyết kế hoạch tấn công này. Đó là sự kiện thứ nhất.
Thứ hai, trưa ngày hôm đó, phi công Mỹ lái máy bay trinh sát U-2 thực hiện nhiệm vụ tại Bắc Cực. Do lực hút từ các địa cực khiến cho nam châm mất phương hướng, bên cạnh đó, cực quang hoạt động mạnh khiến cho viên phi công này rất khó dựa vào các chòm sao để định hướng dẫn đến hậu quả bay nhầm vào không phận Liên Xô khoảng 300km.
Sáu chiến đấu cơ MiG của Liên Xô nhận lệnh ngăn cản. Không quân Mỹ cũng điều động hai chiến đấu cơ F-102 tới chi viện.
Chủ tịch Cuba Fidel Castro trả lời lệnh phong tỏa hải quân của Tổng thống Kennedy qua đài truyền hình Cuba vào ngày 23/10/1962. Ảnh: AP
Do Kennedy đã ra lệnh giữ mức cảnh báo cao nhất, vũ khí trang bị cho máy bay chiến đấu của Mỹ không còn là vũ khí chủ đạo nữa mà là tên lửa đạn đạo chiến thuật không đối không MB-1 với sức công phá tương đương với 1/10 đầu đạn nguyên tử thả xuống Hiroshima.
Càng nghiêm trọng hơn, F-102 chỉ có một phi công lái, nút bắn hạt nhân không được trang bị khóa điện tử, không cần được phê chuẩn, phi công vẫn có thể tự quyết việc có bắn tên lửa hạt nhân hay không.
Theo lời kể của viên phi công này: “Một khi bị MiG tấn công, bản năng sinh tồn của người phi công sẽ buộc ông nhấn nút hạt nhân để phản công".
May mắn thay, chính vào lúc MiG sắp đuổi kịp, chiếc U-2 đã trở lại được đường bay ban đầu. Một cuộc xung đột hạt nhân đã không xảy ra.
Thứ ba, năm đó, Liên Xô triển khai tại vùng biển gần Cuba một đại đội tàu ngầm với 4 tàu ngầm tấn công lớp Foxtrot, mỗi tàu ngầm này được trang bị 21 ngư lôi chính quy, 01 ngư lôi hạt nhân.
Hôm ấy, tàu sân bay hiệu Randolph của quân đội Mỹ nhận lệnh truy đuổi tàu ngầm B-59 của Liên Xô, máy bay tiêm kích Kony của Mỹ đã thả 5 quả bom dùng trong huấn luyện với mức độ sát thương rất thấp nhằm vào chiếc tàu ngầm đang ẩn sâu dưới đáy biển, tuy nhiên tiếng nổ của loại đạn này không khác gì ngư lôi.
Lúc đó điện trong tàu ngầm sắp hết, thiết bị thông gió ngưng hoạt động, máy làm lạnh xảy ra sự cố, thủy thủ trên tàu phải chịu đựng mức nhiệt gần 60oC đã không liên lạc với Moscow hơn 24 giờ. Thuyền trưởng cho rằng chiến tranh thế giới thứ ba đã xảy ra và đưa ra quyết định phóng ngư lôi hạt nhân nhằm tiêu diệt tàu sân bay của Mỹ.
Theo quy định của hải quân Liên Xô bấy giờ, trong tình thế nguy cấp, nếu như không nhận được ủy quyền trực tiếp từ Moscow, phải được sự nhất trí của ba sỹ quan cao nhất gồm chính ủy, thuyền trưởng và phó thuyền trưởng thứ nhất mới có thể phóng ngư lôi hạt nhân.
Lúc bấy giờ, phó thuyền trưởng đồng thời là tham mưu trưởn tàu ngầm này kiên quyết không đồng ý việc sử dụng ngư lôi hạt nhân. Cuối cùng tàu ngầm này lên khỏi mặt nước và lại tránh được cuộc xung đột hạt nhân.
Nhớ lại những chuyện này, Mc Namara kết luận, Mỹ và Liên Xô có thể tránh được thảm họa hạt nhân trong cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Cuba đều là nhờ hai chữ may mắn.