Một tổ chức quân sự cắm chốt bên trong một căn cứ mật ở Mỹ đã liên tục theo dõi các động thái của Triều Tiên suốt ngày đêm.
CNN đưa tin cho hay chỉ trong thời gian ngắn, đã có rất nhiều thay đổi trên bán đảo Triều Tiên.
Ngay trước khi Bình Nhưỡng quyết định ngưng đàm phán cấp cao với Hàn Quốc vào ngày 16/5 và dọa hủy cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trimp tại Singapore vào tháng Sau, dư luận đã vô cùng vui mừng khi chứng kiến sự thù địch và các màn khẩu chiến được thay thế bằng những cái bắt tay và sự lạc quan ở hội nghị thượng đỉnh liên Triều.
Đại tá Travis Morehen- Giám đốc Trung tâm chỉ huy Bắc Mỹ và NORAD. Ảnh: CNN |
Dù trong ở tình huống nào, một tổ chức quân sự đang cắm chốt bên trong một căn cứ bí mật ở Mỹ không thay đổi nhiệm vụ của họ: theo dõi chặt các động thái của Triều Tiên suốt 24 giờ mỗi ngày.
Bộ chỉ huy phòng không - vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD), tổ chức chung giữa Canada và Mỹ có nhiệm vụ đưa ra cảnh báo về các mối đe dọa từ trên không đối với khu vực. Ngay cả khi có những tín hiệu lạc quan sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều, NORAD vẫn tiếp tục giám sát chặt chẽ, từ xa chương trình hạt nhân của Triều Tiên như họ từng làm trước đây, ở giai đoạn đỉnh điểm các vụ thử nghiệm tên lửa của Bình Nhưỡng.
Thực tế theo Đại tá Travis Morehen, Giám đốc Trung tâm chỉ huy Bắc Mỹ và NORAD, tổ chức vẫn nhận 3 - 4 báo cáo tình báo về chương trình hạt nhân của Triều Tiên mỗi ngày.
Tại trung tâm chỉ huy NORAD, ông Morehen đã theo sát "từng phút, từng giây" mọi động thái của Triều Tiên trong 5 vụ thử nghiệm tên lửa gần đây nhất.
Phóng viên CNN đã may mắn được phép tiếp cận trung tâm chỉ huy NORAD trong khu liên hợp núi Cheyenne, ở thành phố Colorado Springs thuộc bang Colorado, Mỹ, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập tổ chức. Căn cứ là nơi đặt trung tâm chỉ huy dự phòng, tọa lạc sâu tới gần 1,6km bên trong núi và ẩn giấu dưới 730 mét đá granite cứng chắc.
Trung tâm chỉ huy chính của NORAD nằm ở căn cứ Không quân Peterson gần đó. Song, trong trường hợp xảy ra hiểm họa hạt nhân nghiêm trọng thực sự, mọi hoạt động của tổ chức sẽ được chuyển về núi Cheyenne.
Căn cứ này hiện được bảo vệ bằng hai cánh cửa nặng 23 tấn, cách ly nó hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Thiết kế nhằm giúp những người cắm chốt bên trong có thể sống sót qua một cuộc tấn công hạt nhân hoặc duy trì liên lạc sau một cuộc tập kích bằng xung điện từ. Ngoài những lần diễn tập, hai cánh cửa này chỉ được bít kín một lần duy nhất trước đây, vào ngày xảy ra thảm họa khủng bố 11/9/2011.
15 tòa nhà ở bên trong khu liên hợp được xây dựng trên 1.300 chiếc lò xo khổng lồ, cho phép chúng nảy xóc an toàn khi có động đất hoặc tấn công hạt nhân. Trung tâm chỉ huy cũng được trang bị đủ công nghệ tối tân để phát hiện một vụ phóng tên lửa ở bất kỳ đâu trên thế giới, chỉ trong vòng vài giây.
Căn cứ này được xây dựng từ thời Chiến tranh Lanh, ban đầu nhằm để bảo vệ Mỹ và các đồng minh trước các máy bay ném bom của Liên Xô.
Tuy nhiên, cơ sở này hiện đang được dùng để phát hiện các vụ phóng tên lửa ở nước ngoài và giám sát các mối đe dọa đối với hàng không nội địa.
Căn cứ hiện cũng được trang bị đủ các loại phương tiện để phát hiện các hiểm họa hàng hải, ví dụ như các hoạt động của các tàu ngầm quân sự. Nếu tàu ngầm của Trung Quốc hay Nga đang tiến về Bắc Mỹ, NORAD sẽ biết đầu tiên.
Gần 30 người bên trong trung tâm chỉ huy NORAD đã được huấn luyện để có phản ứng tức thì, trong vòng vài giây nếu Triều Tiên phóng một quả tên lửa.
Theo đó, họ sẽ xác định liệu quả tên lửa đó có thể chạm tới Bắc Mỹ hay không. Nếu câu trả lời là có, họ sẽ ngay lập tức thông báo cho Washington và Ottawa biết, để các chính phủ ra quyết định cần thiết tiếp theo.
Minh Di (tổng hợp)