Tin mới

Hé lộ những bí mật về đội cận vệ chuyên tháp tùng Tổng thống Putin

Thứ sáu, 17/10/2014, 09:46 (GMT+7)

Đảm nhận trọng trách đảm bảo an toàn cho các nguyê thủ quốc gia, nhiệm vụ của Cục cảnh vệ Liên bang Nga (trước đây là Cục 9 Cơ quan An ninh Liên Xô KGB) là tạo ra những lớp vỏ bọc tưởng chừng mỏng manh nhưng lại vô cùng vững chắc xung quanh thân chủ. >> Tại sao Putin ra lệnh thành lập lực lượng quân sự ở Crimea? >> Ông Putin: Phương Tây đừng gây rối với vũ khí hạt nhân của Nga

Đảm nhận trọng trách đảm bảo an toàn cho các nguyê thủ quốc gia, nhiệm vụ của Cục cảnh vệ Liên bang Nga (trước đây là Cục 9 Cơ quan An ninh Liên Xô KGB) là tạo ra những lớp vỏ bọc tưởng chừng mỏng manh nhưng lại vô cùng vững chắc xung quanh thân chủ.

Cục cảnh vệ Liên bang Nga chuyên trách bảo vệ Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng và Hạ viện, các Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang, Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang, Chánh văn phòng Tổng thống và các phó chánh, Chủ tịch Uỷ ban bầu cử Trung ương. Các nhân vật quan trọng khác ngoài danh mục cũng được bảo vệ nếu có sắc lệnh đặc biệt của Tổng thống. Tổng cộng trong danh mục bảo vệ hiện nay của Cơ quan cảnh vệ Liên bang Nga có khoảng 40 người như vậy.

Ông Putin thường xuyên có khoảng 10 cận vệ “đeo kính đen” hoặc hoá trang dân thường theo sát. Còn khi Tổng thống công du nước ngoài, Cơ quan cảnh vệ Liên bang phải huy động hàng trăm thiện xạ tháp tùng trong suốt hành trình. Riêng ô tô hóa trang và hộ tống phải có từ 5-7 chiếc.

Những cận vệ đeo kính đen

Đơn vị trưởng cơ quan cận vệ Putin là Victor Zolotov. Ông từng là cận vệ riêng của Yeltsin khi ông Putin còn là Thị trưởng Saint-Peterburg. Khi trở thành Thủ tướng, Putin “triệu” Zolotov về Matxcova tiếp tục làm việc. Victor Zolotov được đánh giá là cận vệ chuyên nghiệp số 1 hiện nay ở Nga. Ông được so sánh với cận vệ nổi danh Korzhankov của cố Tổng thống Yeltsin. 

Có một điều thú vị là Zolotov vốn xuất thân từ một thợ tiện. Ông vào FSB mà không có sự bảo hộ từ bất cứ ai nhưng đã nhanh chóng chứng minh được khả năng của mình với vai trò người bảo vệ các yếu nhân.

Bức ảnh hiếm hoi về đội bảo vệ của Putin khi ông giữ chức Tổng thống Nga và đến thăm Nazran, Ingushetia năm 2004 

Các vệ sĩ thường đeo kính đen, đây không phải vấn đề thời trang hay phụ kiện chống nắng cho những anh chàng to con này.

Đơn giản là khi đeo kính râm, không ai có thể đọc được hướng quan sát của các vệ sĩ, họ thoải mái quan sát các đối tượng khả nghi. Ngoài ra, khi đeo kính các vệ sĩ cũng dễ dàng nhận biết được ánh sáng phản xạ từ vũ khí của kẻ có âm mưu ám sát.

Khi đi cạnh hay đưa thân chủ lên xe, Zolotov được ví như một ngọn núi, đồ sộ, im lặng và không hề biểu hiện cảm xúc trên mặt. 

Tuy nhiên, đôi khi chứng kiến Zolotov cùng ông Putin theo dõi một trận bóng thì có thể thấy được ông cũng có những niềm đam mê và cảm xúc chứ không vô cảm như lúc thi hành nhiệm vụ.

Họ đang trang bị những vũ khí "khủng" nào?

Các vệ sỹ bảo vệ ông Putin được trang bị súng ngắn Gyurza cỡ nòng 9mm. Trọng lượng khi chưa có đạn của loại súng này là 1kg, hộp nạp đạn 18 viên, phạm vi ngắm chính xác là 100m, tốc độ đạn khi ra khỏi nòng là 420m/s, tốc độ bắn liên thanh là 40 viên/phút. 

Loại súng này có thể xuyên thủng xe bọc thép ở cự ly 50m, xuyên thủng salon xe thường ở cự ly 100m. Loại súng này tiết kiệm diện tích tối đa, có thể dấu gọn trong túi quần. Khả năng tác chiến được tăng cường bằng cách bố trí nút gạt chuyển chế độ bắn tỉa và liên thanh ở cả trên báng và thân súng.

Khi tháp tùng các nhân vật quan trọng trên những hành trình dài, những người “đeo kính đen” di chuyển trên xe Jeep bọc thép được trang bị súng liên thanh АК-74 và АКС-74U, chưa kể súng chống tăng hạng nặng. Với khả năng tác chiến cao, họ đủ sức đương đầu với cả một tiểu đoàn.

 

Súng máy Pecheneg được trang bị trên xe jeep của cận vệ Putin

Chiếc “catap hạt nhân” họ luôn mang theo trên thực tế là chiếc áo chống đạn siêu bền gồm 2 mảnh gấp lại.

Điều kiện trở thành cận vệ Tổng thống

Để được có mặt trong đội cận vệ tổng thống là một việc tương đối khó – C.Igor, nhân viên cận vệ kỳ cựu tiết lộ. Người ta đặt ra một loạt các tiêu chuẩn gắt gao, và chỉ cần thiếu một điều kiện lập tức sẽ bị loại. Nói ngắn gọn là cần phải có lý lịch cá nhân hoàn hảo, trạng thái tâm sinh lý tốt và các tiêu chuẩn cao về sức khoẻ. 

Cụ thể, nam cận vệ không được quá 35 tuổi, chiều cao từ 1,70 – 1,90m, trọng lượng 75 – 90kg. Họ không cần phải chạy leo ngược sườn núi mỗi sáng hay ngâm mình dưới nước nhiều giờ lúc đêm khuya nhưng về độ linh hoạt, cận vệ Tổng thống phải có khả năng phản ứng chớp nhoáng để vô hiệu hoá kẻ tội phạm ngay từ khi mới có dấu hiệu phạm tội.

Với cận vệ, không có cái gọi là “bắn chỉ thiên” cảnh cáo. Linh cảm và tốc độ xử lý thông tin cũng là những yếu tố không thể thiếu đối với cận vệ Tổng thống. Điều khó nhất là phải vô hiệu hoá được mối nguy hiểm mà không được để những người xung quanh nhận thấy. Khi đã được chấp nhận, mỗi cận vệ phải qua một lớp đào tạo tâm lý nghiệp vụ, và phải biết không dưới 30 miếng võ “bắt nguội” chuyên nghiệp ở mọi góc tiếp cận và địa hình. Trình độ lái xe thoát hiểm của cận vệ phải đạt trình độ ngang hàng với… điệp viên 007 huyền thoại. Ngoài ra còn phải biết cách nếm thức ăn, đồ uống để nhận biết các loại độc tố.

Liều doping đặc biệt

Những cận vệ chuyên nghiệp phải có khả năng không đổ mồ hôi dù đứng dưới cái nóng 40 độC suốt nhiều giờ và không được “chết lạnh” nếu phải đứng dưới giá rét dưới 0 độ. Để làm được điều này, họ được cấp một loại dược liệu đặc biệt làm thay đổi các quá trình vận động sinh học trong cơ thể.

Vệ sĩ thân cận nhất của ông Putin, Ivan làm nhiệm vụ khi ông đến thăm triển lãm hàng không Mask năm 2011 

Tác dụng thứ hai của biệt dược là làm tăng thính giác và thị giác. Có thông tin cho rằng “nhãn cầu” của cận vệ to hơn của người bình thường, điều này cho phép họ có góc quan sát rộng hơn. Do tính chất công việc đặc biệt này, các cận vệ thường về hưu khi chưa quá 35 tuổi.

Các bước bảo vệ

Khi VIP dự định công du nước ngoài thì trước chuyến đi chính thức khoảng hơn một tháng, các nhà phân tích thông tin chuyên nghiệp đã phải bắt tay vào làm việc. Họ phân tích gần như tất cả mọi thông tin liên quan – từ điều kiện thời tiết khi viếng thăm, mức độ và tình hình tội phạm, các trào lưu tôn giáo cực đoan hiếu chiến, môi trường, và ngay cả những rủi ro dù xác xuất rất nhỏ (ví dụ không may xảy ra động đất và phương án sơ tán an toàn). 

Tất cả các thông tin này được tập hợp báo cáo về Moscow. Sau đó (trước khoảng 3-4 tuần), các đặc vụ sẽ lên đường thị sát và thoả thuận với các cơ quan đặc biệt của nước sở tại về các biện pháp bảo vệ cụ thể. Ngay lập tức, một chiến dịch “truy quét” các nghi phạm từng có tên trong sổ đen được thực hiện.

Bước tiếp theo, các đặc vụ tiến hành nghiên cứu khách sạn nơi đoàn VIP dự dịnh lưu trú và tất cả địa chỉ sẽ viếng thăm trong chuyến công du. Một nhóm chuyên gia sẽ bắt tay vào sửa tất cả các chi tiết hỏng hóc – từ ổ điện đến nắm đấm cửa. Sau đó, các sỹ quan kỹ thuật nghiệp vụ sẽ dùng máy chuyên dụng rà soát tần số tất cả các thiết bị phát sóng vô tuyến, đo mức độ phóng xạ, độ sạch không khí và chất lượng nước uống, thức ăn. Khi VIP đến nơi, một phương án bảo vệ chặt chẽ gồm 4 vòng được triển khai.

Vòng thứ nhất – liền kề Tổng thống: thường là các vệ sỹ lực lưỡng luôn đeo tai nghe và xách “va-li hạt nhân” (áo giáp chống đạn nguỵ trang). Nhiệm vụ của vòng này là dùng cơ thể và các công cụ hỗ trợ để che cho Tổng thống khỏi mọi mối nguy hiểm. Nếu điều kiện phức tạp hơn, có thể dùng cả phương án người đóng thế để đánh lừa sát thủ.

Một vệ sĩ của Putin trong chuyến thăm của ông đến London năm 2003

Vòng thứ hai là những cận vệ hoá trang dân thường trà trộn vào đám đông. Nhiệm vụ của họ là không được để bị phát hiện và phải âm thầm theo dõi mọi biến động xung quanh. Thậm chí, họ phải hành động khéo léo như một tên trộm chuyên nghiệp để bí mật kiểm tra người và hành lý của kẻ tình nghi đề phòng có “hàng nóng”.

Vòng thứ ba bao quanh đám đông để kịp thời ngăn chặn những kẻ bất ngờ xâm nhập vào trong và hỗ trợ vòng hai nếu kẻ tình nghi đào tẩu.

Vòng thứ tư là vòng đứng xa nhất. Họ thường là những xạ thủ bắn súng hai tay như một. Nơi ém quân thường là các mái nhà, cửa sổ các nhà cao tầng. Với các loại súng đủ cự ly được trang bị thêm tia lase và kính ngắm siêu chuẩn, họ có thể hạ gục bất cứ kẻ nào đe doạ tính mạng của Tổng thống.

Đội cận vệ - cánh tay phải của Tổng thống Putin

Có nhiều thông tin cho rằng Tổng thống Putin là người rất biết lắng nghe các vệ sĩ của mình. Bất cứ khi nào các nhân viên đưa ra lời khuyên ông đều nghe theo để đảm bảo an toàn cho mình. 

Xuất thân từ một sĩ quan tình báo, ông Putin là người hiểu rõ hơn ai hết mình cần phải làm gì. Mặc dù đôi khi ông cũng làm các vệ sĩ thót tim khi bắt tay với một người lạ trên phố.

Tổng thống Putin là người có quan hệ rất tốt với các vệ sĩ của mình, ông nhớ hết tên của họ và không bao giờ có thái độ ông chủ với những chàng trai lạnh lùng này.

Các vệ sĩ của Tổng thống Nga đã từng có thời gian làm việc rất vất vả với Yeltsin và Gorbachev, đặc biệt là các bà vợ của họ khi mà chẳng ai tỏ ra hài lòng khi làm theo những lời khuyên của nhân viên an ninh.

 

Yên Yên (Tổng hợp)

Theo Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news