Bà Hillary Clinton, ứng viên đảng Dân chủ hôm qua 31/7 đã lên tiếng cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công email của đảng này và "nhắc nhở" đối thủ đảng Cộng hòa về "'lòng trung thành tuyệt đối" của một ứng viên tổng thống khi phát ngôn về mối quan hệ song phương Mỹ-Nga.
Reuters đưa tin, cựu Ngoại trưởng Mỹ vừa lên tiếng cáo buộc cơ quan tình báo Nga đứng sau vụ tấn công hệ thống máy tính của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ. Đồng thời, bà cũng lên tiếng chỉ trích bài phát biểu của ứng viên đối thủ khi ông này thể hiện sự ủng hộ Tổng thống Nga Putin.
Nữ cựu Ngoại trưởng nhận định, bài phát biểu có liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia cũng như gây thêm nghi ngờ về tính cách "khác thường" của ông Trump.
Mối quan hệ giữa tỷ phú Trump và nước Nga được đưa ra tranh luận sau khi vụ bê bối thư điện tử Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ. Các bức thư được công bố cho thấy Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ đang thiên vị cho nữ cựu Ngoại trưởng hơn so với Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Sự việc này đã làm cho uy tín của bà Clinton giảm đi đáng kể.
Bà Hillary Clinton, ứng viên đảng Dân chủ hôm qua 31/7 đã lên tiếng cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công email của đảng này và "nhắc nhở" đối thủ đảng Cộng hòa về "'lòng trung thành tuyệt đối" của một ứng viên tổng thống khi phát ngôn về mối quan hệ song phương Mỹ-Nga. |
Sau vụ bê bối, đảng Dân chủ đã đổ lỗi này cho Nga và gọi đây là sự ủng hộ của Nga cho ứng viên đối thủ Donald Trump. Ông Trump đã nhanh chóng phản đối cáo buộc trên, khẳng định ông "không có mối quan hệ nào" với nhà lãnh đạo Nga Putin và cũng chưa bao giờ gặp hay nói chuyện qua điện thoại với ông chủ Điện Kremlin. Tuy nhiên, trong một bài phát biểu trong cuộc vận động tranh cử của mình, ông Trump đã lên tiếng "kêu gọi" các tin tặc Nga tấn công email của bà Hillary để "tìm giúp" hơn 30.000 thư đã bị "thất lạc".
Về bài phát biểu kêu gọi tấn công, bà Clinton nhận định, sự khuyến khích của Trump đã đặt ra vấn đề về sự ảnh hưởng của Nga trong cuộc chạy đua quyền lực tại Mỹ.
Phát biểu về mối quan hệ của Nga và Mỹ, ông Trump nhận định, "nếu Washington có thể song hành với Nga, đó sẽ là một điều tuyệt vời”.
Trước đó, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa khẳng định nếu đắc cử, ông sẽ xem xét việc công nhận chủ quyền của Nga trên bán đảo Crimea. "Theo những gì tôi được nghe, người dân Crimea thích là một phần của Nga hơn (so với Ukraine)”.
Nghiêm Thu (tổng hợp)