Xe tăng của bộ đội tiến vào Dinh Độc Lập; Người nông dân ôm xác con; Trực thăng Mỹ lấy xác lính; Máy bay Mỹ rải chất độc da cam... đã nói lên sự tàn khốc và ác liệt của chiến tranh Việt Nam cách đây hơn 40 năm.
Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm trấn áp đạo Phật vào ngày 11/6/1963. Ảnh: Malcolm Browne.
Một lính ngụy dùng dao đe dọa một nông dân miền Nam vào ngày 19/1/1964 do người nông dân không chịu cung cấp thông tin về nơi ẩn náu của lực lượng du kích. Ảnh: AP.
Một nông dân miền nam Việt Nam ôm xác con và ngước nhìn những binh lính ngụy trên một chiếc xe bọc thép. Cảnh tượng này diễn ra tại một nơi gần biên giới Việt Nam-Campuchia vào ngày 19/3/1964. Ảnh: AP.
Những chiếc trực thăng xả súng máy vào rừng cây để dọn đường cho hoạt động càn quét của binh lính vào một căn cứ của quân giải phóng ở một nơi cách Tây Ninh gần 30 km. Cuộc càn quét diễn ra vào tháng 3/1965. Ảnh: AP.
Máy bay Mỹ rải chất độc da cam xuống một khu vực ở miền nam Việt Nam vào ngày 17/6/1966. Ảnh: AP.
Lính Mỹ đốt nhà trong một trại huấn luyện của bộ đội sau một cuộc tấn công cách Sài Gòn 80 km về phía tây bắc vào ngày 15/11/1965. Ảnh: AP.
Sự ngơ ngác và sợ hãi hiện rõ trong đôi mắt hai đứa trẻ của một gia đình tại miền nam Việt Nam trong lúc bố, mẹ và hai đứa lớn hơn bị bịt mắt để chờ lính ngụy thẩm vấn vào ngày 12/9/1966. Gia đình này bị bắt sau một cuộc càn quét của lính Mỹ ở một nơi cách Sài Gòn khoảng 72 km. Ảnh: AP.
Một lính Mỹ vác một du kích bị thương sau một cuộc đột kích vào bệnh viện dã chiến trong rừng của quân giải phóng vào ngày 3/11/1965. Ảnh: AP.
Lính Mỹ trườn sát mép ruộng ở miền nam Việt Nam năm 1966.
Thi thể một binh sĩ Mỹ được đưa lên trực thăng sơ tán ở Tây Ninh. Washington tổn thất nặng nề về người và của khi tham gia cuộc chiến ở Việt Nam. Khoảng 58.000 binh sĩ thiệt mạng cùng hơn 300.000 người khác bị thương trong cuộc chiến. Ngoài ra, nước này còn mất 9.000 máy bay, trực thăng và nhiều thiết bị khác.
James E Callahan, quân nhân đến từ Massachusetts, hô hấp nhân tạo cho một đồng đội bị thương nặng ở chiến trường Việt Nam năm 1967.
Bức ảnh "Em bé napalm" của Nick Ut, nhiếp ảnh gia AP, mang tính biểu tượng về tính tàn khốc của cuộc chiến. Trong ảnh, cô bé Phan Thị Kim Phúc vừa chạy vừa khóc khi Mỹ dội bom napalm xuống Trảng Bàng, Tây Ninh, năm 1972. Sức nóng của bom khiến em không còn mảnh áo quần và lưng, tay bỏng nặng. Nhân vật chính trong tác phẩm để đời của Nick Ut sau này đã hội ngộ cha đẻ của bức ảnh. Hiện Kim Phúc sống tại Canada cùng chồng và con.
Theo Hiệp định Paris được ký ngày 27/1/1973, Washington rút quân khỏi miền nam Việt Nam, đóng các căn cứ quân sự và hai bên trao đổi tù binh. Trong ảnh là những nhân sự cuối cùng của Mỹ rời Sài Gòn trước khi chiến tranh kết thúc.
Ngày 30/4, xe tăng của quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào dinh Độc Lập tại thành phố Sài Gòn, đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của chế độ cũ. Ảnh: AP.
Người dân nô nức đổ ra đường phố Sài Gòn mừng ngày thống nhất đất nước 30/4/1975. Từ đây, lịch sử Việt Nam bước sang một trang mới.
Yên Yên (tổng hợp)