Trong xã hội Trung Quốc thời phong kiến có rất nhiều quan tham, nổi tiếng nhất phải kể đến Hòa Thân thời nhà Thanh. Hòa Thân sinh vào thời Càn Long, trong một gia đình nghèo khó. Khi Hòa Thân 3 tuổi, mẹ ông qua đời vì biến chứng lúc sinh em trai Hòa Lâm. Năm Hòa Thân 9 tuổi, cha ông cũng mất vì bệnh tật. Hai anh em họ Hòa may mắn được một người hầu già nuôi dưỡng.
Sau đó, Hòa Thân đỗ vào Hàm An Cung và thông thạo 4 ngôn ngữ Mãn, Hán, Mông, Tây Tạng, đọc hiểu Tứ Thư Ngũ Kinh. Vào thời bấy giờ, việc Hòa Thân thông thạo 4 ngôn ngữ và đọc hiểu Tứ Thư Ngũ Kinh là rất đáng quý. Khi 18 tuổi, ông kết hôn với con gái của Tổng đốc Phùng Anh Liêm. Từ đó, đường quan lộ của Hòa Thân trở nên thuận lợi.
Sau này, Hòa Thân còn được lòng Càn Long đế. Con trai ông là Phong Thân Ân Đức được Càn Long gả con gái yêu cho, Hòa Thân trở thành một người có quyền lực trong hoàng gia. Sau khi trở thành thông gia với nhà vua, Hoàng Thân tiếp tục củng cố quyền lực, lấy lòng Càn Long và vơ vét tham nhũng nhiều hơn.
Tuy nhiên, Hòa Thân cũng là kẻ thông minh. Dù ông ta rất tham lam nhưng cũng được việc. Ông biết rõ ranh giới của Càn Long là gì và không dám vượt qua. Vì vậy, cho đến khi Càn Long qua đời, Hòa Thân vẫn giữ được quyền lực và không bị bất kỳ quan viên nào lật đổ.
Trong số những giai thoại về Hòa Thân, nổi tiếng nhất phải kể đến việc ông trộn thêm cát vào cháo Từ thiện. Chuyện kể rằng trong một lần hạn hán, Càn Long cử Hòa Thân đến khu vực bị thiên tai để cứu trợ. Và Hòa Thân đã làm gì? Ông ta đã ra lệnh cho thêm cát vào cháo. Hành động này khiến nhiều quan viên bất mãn viết đơn tố cáo lên hoàng đế.
Sau đó, Hòa Thân giải thích rằng ông bỏ cát vào để ngăn chặn quan lại tham ô. Việc thêm cát vào cháo có thể ngăn quan viên cắt giảm lương thực, ngăn những kẻ không thiếu đói muốn đến cướp đoạt miếng ăn của người dân bị thiên tai. Những người thực sự cần giúp đỡ sẽ không quan tâm đến việc trong cháo có cát. Càn Long nghe được lời giải thích này thì bất ngờ và khen ngợi Hòa Thân làm rất tốt và trọng thưởng.
Các quan lại trong triều sau đó cũng học theo cách của Hòa Thân trong những đợt cứu trợ sau này. Những kẻ mạo danh muốn ăn hôi đến ít hơn hẳn, người thực sự cần đã được cứu đói kịp thời. Dù Hòa Thân bị chỉ trích là đệ nhất quan tham nhưng trí thông minh tuyệt đỉnh của ông là điều không ai có thể phủ nhận.
Tuy nhiên, tình tiết này được cho là không có thật trong lịch sử mà chỉ là một chi tiết được thêm vào phim cho thêm kịch tính. Việc cho cát vào cháo để người ăn sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường. Ngoài ra, với bản chất của Hòa Thân, ông ấy không có lý do hay động cơ gì để trộn cát vào cháo.