Tin mới

Học giả Mỹ: Obama và hàng loạt tiền nhiệm từng dối trá, Trump cũng khó tránh "nhúng chàm"

Thứ tư, 03/05/2017, 16:48 (GMT+7)

Nền dân chủ Mỹ đang chìm trong trận chiến dai dẳng để quyết định xem ai sẽ là người điều khiển đất nước.

Nền dân chủ Mỹ đang chìm trong trận chiến dai dẳng để quyết định xem ai sẽ là người điều khiển đất nước.

Qua việc theo dõi cách cán bộ nhân viên cấp cao Nhà Trắng của Donald Trump làm việc suốt ba tháng qua, người ta dễ dàng thấy được xu hướng các cựu Tổng thống và quan chức chính phủ cấp cao lạm dụng thứ quyền lực tối thượng mà nền dân chủ Mỹ đã trao cho họ.

Chẳng mấy ai lạm dụng quyền lực vì tiền. Hệ thống chính trị Mỹ rất giỏi việc điều tra và buộc tội những kẻ này.

Nhiều người lạm dụng quyền lực để tự bảo vệ chính mình, thúc đẩy các toan tính chính trị hoặc lấn át quyền lực của phe đối lập. Họ dối trá, vi phạm pháp luật, phớt lờ hành vi sai phạm, hay phá vỡ những truyền thống, quy tắc và quy định của các tổ chức dân chủ lâu đời.

Chính quyền Tổng thống Obama đã sử dụng nhiều biện pháp để thúc đẩy các kế hoạch chính trị của họ, và có vẻ Donald Trump sẽ còn đi xa hơn người tiền nhiệm để bảo vệ chính quyền của ông. Cả hai vị Tổng thống đều "học hỏi" rất nhiều từ các Tổng thống Mỹ đời trước.

Tổng thống tiền nhiệm

Có nhiều bằng chứng cho thấy Tổng thống Lyndon Johnson cùng các cố vấn cấp cao và cộng sự đã nhiều lần dối trá về mức độ can thiệp của Mỹ vào Việt Nam từ năm 1963 trở đi. Johnson đã nói dối về phí tổn chiến tranh cả về mạng người lẫn tiền của, diễn biến cuộc chiến, và nguyên nhân cuộc chiến.

Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson. Ảnh: Getty

 
Theo Daniel Ellsberg - một người tố cáo - chính quyền Johnson tuyên bố không muốn mở rộng chiến tranh Việt Nam, vì điều này sẽ làm giảm dòng tiền chảy vào các chương trình quốc nội như Xã hội Tối thượng (Great Society).

Sự thật là Johnson không muốn bị mang tiếng là Tổng thống thua cuộc. Vì vậy, chính quyền ông đã công khai nói giảm nói tránh về cuộc chiến tranh với người dân, trong khi vẫn bí mật đẩy mạnh hoạt động quân sự.

Đến năm 1972, do lo lắng về phe đối lập của đảng Dân chủ, Tổng thống Richard Nixon đã phê duyệt một bản kế hoạch vô hiệu hóa phe đối lập thuộc Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ (DNC) bằng cách đột nhập vào trụ sở chính và nghe lén hoạt động của họ, rồi che giấu các tội trạng liên quan.

Nixon đã bị buộc phải từ chức trong nhục nhã, và được Tổng thống Gerald Ford ân xá. 30 cộng sự của Nixon bị kết án.

Trong một diễn biến khác, Nixon ra lệnh cho nhóm đặc nhiệm ngầm đột nhập vào văn phòng của Lewis Fielding - nhà phân tích tâm lý cho Daniel Ellsberg - cố đào bới bằng chứng hữu ích nhằm chống lại Ellsberg sau khi ông này công khai loạt "Tài liệu Panama" - tài liệu chính phủ tuyệt mật ghi chép lại Chiến tranh Việt Nam kể từ thời Tổng thống Truman.

Tổng thống Jimmy Carter thường bị coi là một trong những Tổng thống tệ nhất lịch sử, nhưng chính quyền của ông đã không lạm dụng quyền lực. Vết chàm duy nhất của ông là Vụ án Lance: Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Carter là Bert Lance bị buộc từ nhiệm vào năm 1977 vì tội lừa đảo ngân hàng.

Mặc dù Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) không có scandal nào, chính quyền ông cũng vấp phải sự vụ tương tự với Catalina Villapando, Bộ trưởng Tài chính khi đó. Bà bị tống giam vì tội trốn thuế và cản trở pháp luật, mặc dù không liên quan đến Bush.

Một trong những Tổng thống được yêu mến nhất là Ronald Reagan cũng hứng chịu nhiều chỉ trích suốt nhiều năm liền vì Chính sách bảo thủ, nhưng ngày nay ông được đánh giá là vị Tổng thống hiệu quả thứ tám trong lịch sử.

Dưới thời Reagan, vụ scandal khổng lồ Iran-Contra bùng nổ năm 1985-1987. Nhân sự cấp cao muốn giải thoát cho 7 con tin bị phiến quân giam giữ ở Lebanon, một đồng minh của Iran. Mỹ bán vũ khí cho Iran - mặc dù Iran bị cấm nhận vũ khí - để đổi lại tự do cho các con tin.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Ảnh: history.com

Mỹ đầu tư số tiền thu được vào nhóm Contra ở Nicaragua - một nhóm du kích ghét cánh hữu muốn tìm cách lật đổ phe Nicaragua Sandinistas. Kế hoạch này vốn sẽ lách qua rào cản Quốc hội và giấu nhẹm phi vụ làm ăn với công chúng Mỹ. Nhiều cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng Reagan có liên quan đến vụ việc.

Mặc dù chính quyền Reagan bị buộc tội phá hủy bằng chứng cho thấy quan chức cấp cao có liên quan, nhiều người đã được bãi bỏ mọi cáo trạng sau đó.

Tổng thống Bill Clinton xuất hiện ngập tràn khắp các trang nhất khi ông ngoại tình với Monica Lewinsky, một thực tập sinh tại Nhà Trắng năm 1998. Clinton đã nói dối với vị công tố viên về vụ Ngoại tình, khiến ông bị buộc tội và phải ra tòa trước Quốc hội. Tuy được trắng án, nhưng danh tiếng của ông và phu nhân Hillary Clinton bị tổn hại vĩnh viễn.

Tổng thống George W. Bush được biết đến nhiều nhất vì đã khơi mào chiến tranh Iraq lần thứ hai dựa trên thông tin tình báo sai sự thật rằng Saddam Hussein đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Trung Đông. Động cơ chính trị đằng sau mẩu tin tình báo này vẫn đang được tranh cãi gay gắt sau 15 năm chiến tranh.

Một scandal nữa vẫn chưa phai mờ chính là vụ Scooter Libby năm 2003. Libby là cánh tay phải của Phó Tổng thống Dick Cheney, một trong những chính trị gia gây chia rẽ nhất lịch sử nước Mỹ. Libby bị buộc tội tiết lộ tên thật của một điệp viên CIA là Valerie Plame cho một nhà báo.

Plame và chồng cô chính là 2 người đã hiểu nhầm thông tin tình báo về việc Saddam Hussein sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Libby sau đó nói dối về việc tiết lộ tên của Plame. Tổng thống Bush sau đó đã giảm nhẹ bản án của Libby, nhưng không ân xá.

Chính quyền Obama

Vào năm 2008, Obama hứa rằng nếu đắc cử, ông sẽ thay đổi toàn bộ nước Mỹ. Mặc dù không có nhiều kinh nghiệm trong chính phủ, cá tính hấp dẫn của ông đã thu hút sự yêu mến trung thành và đông đảo từ những người muốn được làm việc trong chính quyền của ông.

Cùng lúc đó, Obama đối mặt với sự phản đối kịch liệt từ phía Cộng hòa và phe bảo thủ, vì họ cảm thấy rằng nỗ lực cải tổ nước Mỹ của Obama đã đi quá xa. Người ủng hộ Obama thì lại cho rằng phe đối lập trỗi dậy chỉ vì ông là người da đen,Phe Cộng hòa trong Quốc hội đã ngăn cản thành công nhiều chính sách của Obama trong suốt 8 năm cầm quyền của ông. Obama mệt mỏi đến mức ông quyết tâm "lách luật" Quốc hội bất cứ khi nào có thể và đơn phương hành động. Những người ủng hộ ông trong chính phủ và Quốc hội đều hết lòng giúp đỡ.

Tổng thống Obama khi còn tranh cử. Ảnh: Getty

Điều đáng chú ý là phe Cộng hòa tuyên bố Obama không quan tâm đến việc thỏa hiệp, và luôn từ chối ý kiến của họ, vì vậy nên họ chống đối. Obama và người ủng hộ ông đã để lại nhiều tiền lệ khó chịu cho người đến sau.

Vậy tại sao những điều này lại quan trọng? Vì Tổng thống Trump dường như đang đi vào vết xe của Obama, và những hành động của Obama khiến Trump dễ dàng gỡ bỏ nhiều phần trong chính sách cải tổ của ông.

Một ví dụ chính là Hiệp định hạt nhân Iran. Obama muốn thỏa thuận để Iran tạm ngừng chương trình hạt nhân, do vậy cán sự cấp cao cua ông đã bí mật thương thuyết với chính phủ Iran từ năm 2012. Đến năm 2013, Obama bắt đầu công khai tiến trình đàm phán, tuyên bố rằng chính phủ ôn hòa mới của Iran đã xuất hiện và đây là thời điểm duy nhất để đàm phán thành công.

Vấn đề ở đây là chính quyền Obama đã nói dối. Hiệp định trên được đàm phán với chính quyền cứng rắn cũ của Iran, và người Iran mới là bên đặt ra hầu hết các điều khoản.

Sau khi thông tin này bị lộ ra ngoài, phát ngôn viên báo chí cho Bộ Ngoại giao là Jen Psaki trả lời các câu hỏi về vụ nói dối rằng [chính phủ] được phép nói dối người dân và Quốc hội để thực thi chính sách. Scandal này đã châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình và lên án dữ dội.

Sau đó, chính quyền Obama xóa đoạn video về câu trả lời của bà Psaki khỏi trang web của Bộ Ngoại giao - điều này chỉ càng đổ thêm dầu vào lửa.

Chính phủ Obama cũng dối trá về nhiều khía cạnh khác của Hiệp định. Chính quyền ông đã cho một máy bay không số hiệu hạ cánh ở Iran và dỡ 400 triệu đô la Mỹ tiền mặt trên máy bay này cho Iran. Số tiền này trước đó đã bị rửa tiền thành đồng franc Thụy Sĩ và trao tay người nhận. 

Luật pháp Mỹ cấm việc trả tiền mặt theo cách này. Ít lâu sau khi nhận tiền, Iran thả tự do cho một số con tin Mỹ - đây cũng là hành vi trái pháp luật.

Nhập cư trái phép

Obama tuyên truyền ủng hộ việc mở cửa biên giới cho người nhập cư bất hợp pháp. Để đạt mục tiêu, ông ban hành nhiều chính sách khiến người nhập cư trái phép từ Mexico và Trung Mỹ tràn vào đất nước.

Đến năm 2012, Obama ban hành sắc lệnh DACA - Tạm hoãn thi hành đối với người nhập cư trái phép là trẻ em. DACA cho phép những đứa trẻ này được làm việc hợp pháp và mở ra con đường trở thành cư dân thực sự. Sắc lệnh này đã ảnh hưởng đến khoảng 1,8 triệu người.

Vấn đề ở đây là Tổng thống chỉ có quyền lực giới hạn trong việc cho phép người nhập cư trái phép ở lại Mỹ một cách hợp pháp. Chỉ Quốc hội mới được quyền thông qua luật lệ về người nhập cư bất hợp pháp. Các tòa án liên bang tuyên bố sắc lệnh của Obama đã vi hiến, do đó khi Trump bắt đầu siết chặt luật nhập cư, tất cả các trẻ em DACA đều lâm vào cảnh khốn đốn.

Chuyện chưa dừng lại ở đó. Các luật sư thuộc Bộ Tư pháp muốn đưa thêm càng nhiều trẻ em diện DACA vào Mỹ càng tốt trước khi tòa án kịp thời có phản ứng, do đó họ nói dối với thẩm phán liên bang rằng đã cho dừng DACA. Khoảng 100.000 người nhập cư trái phép đã vào Mỹ theo cách này.

Theo dõi trái phép

Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) theo dõi các liên lạc điện tử của tất cả mọi người trên thế giới. NSA thường xen vào các cuộc nói chuyện giữa người Mỹ và người nước ngoài. Khi làm điều này, tên của người dân sẽ được ngụy trang và chỉ có vài chuyên gia phân tích an ninh được biết. Danh tính của đối tượng chỉ được tiết lộ cho các quan chức khác nếu liên quan đến vụ án an ninh quốc gia quan trọng.

Gần đây, thông tin nhóm vận động tranh cử của Trump bị theo dõi về khả năng có thỏa thuận với gián điệp của chính phủ Nga được tiết lộ. Cựu cố vấn an ninh của Obama là Susan Rice đã tiết lộ tên của những người có liên quan.

Ngay trước thềm cuộc bầu cử tháng 11/2016, Obama nới lỏng nhiều quy định khắt khe về việc chia sẻ thông tin tình báo giữa các cơ quan. Hiện tại Quốc hội đang điều tra vai trò của bà Rice trong việc để lộ thông tin về Trump cho truyền thông.

Trong khi chính quyền Trump ngập chìm trong nhiều vụ tiết lộ thông tin trái phép từ giới tình báo và cựu quan chức Obama, bà Rice từng tuyên bố bà không biết gì về những thông tin này. Đến khi nhà điều tra khám xét, bà lại nói không làm gì sai. Lời khai của bà Rice liên tục thay đổi suốt tiến trình điều tra.

Bà Rice cũng là quan chức đi lan truyền thông tin rằng cái chết của đại sứ Mỹ tại Libya và thông tin an ninh của ông là do động thái bất ngờ của một băng nhóm chứ không phải bị nhóm Al Qaeda tấn công.

Tòa án chật chội

Các tòa án liên bang đóng vai trò quan trọng trong việc phân định vi phạm luật liên bang, hay liệu hành động của chính phủ có vi hiến hay không. Các thẩm phán liên bang có thể ủng hộ hoặc hủy hoại chính sách của bất kỳ chính quyền nào. Do đó, các thẩm phán liên bang giữ chức vụ này suốt đời để họ có thể phân xử công minh, thoát khỏi sức ép chính trị.

Thượng viện Mỹ phải phê chuẩn các ứng viên cho tòa án liên bang, và có khả năng chặn một ứng viên nếu 40% Thượng viện quyết định filibuster (tranh luận không giới hạn). Để tháo gỡ filibuster, 60% Thượng viện phải bỏ phiếu thuận.

Cựu lãnh đạo Đa số Thượng viện Harry Reid năm 2013 đã bỏ qua luật filibuster và cho phép thẩm phán bỏ phiếu theo đa số (51%). Khi đó Obama có khả năng bổ nhiệm người ông muốn vào vị trí thẩm phán.

Vấn đề ở đây là hành động này đã vi phạm luật Thượng viện tồn tại từ năm 1837. Ông Reid thay đổi quy trình để bảo vệ quyền lợi của thiểu số so với đa số.

Những ngày đầu trong "thời đại Trump"

100 ngày đầu tiên của chính quyền Trump cho thấy có khả năng Trump có thiên hướng lạm dụng quyền lực.

Dưới thời Obama mà đặc biệt là nhiệm kỳ thứ hai, Obama đã ban hành rất nhiều sắc lệnh và quy định nhằm cải tổ nước Mỹ. Phần lớn những quy định này khá đáng ngờ, một số sắc lệnh đã bị các tòa án đảo ngược. Trump cũng đang đi trên con đường này.

Trump luôn bận rộn hé lộ từ sắc lệnh này đến sắc lệnh khác, đặc biệt về nhập cư và luật môi trường. Khác với Obama, nội các của Trump có vẻ đang đi lối tắt trong việc ban hành các điều luật. Trump thông qua sắc lệnh cấm nhập cư với các luật sư thuộc Bộ An ninh Nội địa, nhưng lại không thông qua nhân sự nhiều cơ quan và thậm chí cả Quốc hội.

Trump đã đẩy thật nhanh sắc lệnh này để khiến phe đối lập ngạc nhiên. Nhưng cuối cùng các tòa án liên bang đã bắt buộc ông phải thu hồi sắc lệnh nhập cư gây tranh cãi này.

Đến bây giờ, Trump đang cố gắng tước bỏ quyền tư pháp của tòa án đã bác bỏ sắc lệnh của ông. Trump muốn đề xuất điều luật tái cơ cấu tòa án theo hướng có lợi cho chính quyền đương nhiệm. Hành động này rất giống với cựu Tổng thống Franklin Roosevelt - ông nỗ lực đưa các thẩm phán ủng hộ điều luật "Thỏa thuận Mới" gây tranh cãi vào Tòa án Tối cao để dọn đường cho điều luật này.

Trump còn tuyên bố rằng ông muốn Thượng viện thay đổi luật filibuster, mở rộng ra không chỉ với quan chức chính phủ mà còn cả điều luật thông thường. Động thái này sẽ phá hủy quyền thiểu số tại Thượng viện, và cho phép Tổng thống làm bất cứ điều gì ông muốn.

Cuối cùng, Trump và một số cố vấn liên tiếp đưa ra nhiều tuyên bố sai sự thật. Không thể biết được liệu họ đang thẳng thừng dối trá, hay đơn giản là không biết hoặc mau quên.

Dù là gì đi nữa, họ cũng đang làm suy giảm uy tín của chính quyền đương nhiệm - lẽ ra phải nói lên sự thật. Điều này làm dấy lên câu hỏi rằng, liệu họ có nói dối về chính sách và hành động để tự bảo vệ mình hay tấn công đối thủ?

Tình hình càng phức tạp hơn khi truyền thông, mạng xã hội và phe đối lập cũng đang dựng nên những chiều thông tin sai lệch, tin tức giả và thiên vị.

Nền dân chủ Mỹ đang chìm trong trận chiến dai dẳng để quyết định xem ai sẽ là người điều khiển đất nước!

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news