Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra hầu hết các loài động, thực vật trên đảo Hải Nam thậm chí còn không có chút dính dáng gì với dải đất gần nhất ở khu vực Quảng Đông nước này.
Một nghiên cứu do cách nhà khoa học đến từ Vườn Bách thảo nhiệt đới Xishuangbanna thuộc Côn Minh, tỉnh Vân Nam cho thấy các loài động, thực vật ở đảo Hải Nam, cực nam Trung Quốc có nguồn gốc từ Việt Nam, ở cách đó hàng trăm kilomet.
Những phát hiện của nghiên cứu này có thể giúp giải đáp bí ẩn khiến các nhà khoa học đau đầu từ lâu: Tại sai các sinh vật được tìm thấy trên hòn đảo này - cách bờ biển phía nam Trung Quốc 20 km - lại khác biệt so với những gì được tìm thấy ở khu vực tỉnh Quảng Đông lân cận?
Nhóm nghiên cứu do giáo sư Zhu Hua dẫn đầu đã so sánh hệ động thực vật ở Hải Nam với những thứ được tìm thấy trong khu vực này.
"Hệ thực vật tại Hải Nam có những điểm tương đồng rất lớn với Việt Nam", ông Zhu nói.
Phát hiện này được công bố trên tạp chí được chuyên gia kiểm duyệt PloS ONE.
"Nếu nhìn vào các loài giống chung nhau giữa các khu vực này, chúng ta có thể thấy rằng có 110 loài chung giữa Hải Nam và Việt Nam nhưng chỉ có 7 loài chung giữa Hải Nam và Quảng Đông. Hệ thực vật ở Hải Nam có liên quan chặt chẽ nhất với Việt Nam", ông Zhu viết trong bài báo.
Hệ động, thực vật ở Hải Nam tương đồng rất lớn với Việt Nam. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Hiện tượng tương tự cũng được tìm thấy ở hệ động vật.
Theo nghiên cứu, Hải Nam có tỷ lệ động vật có vú chung với Việt Nam cao nhất, chung với Quảng Đông thấp nhất.
"Trong số 41 loài động vật có vú tại Hải Nam, 30 loài có thể được tìm thấy ở Việt Nam", nghiên cứu chỉ ra.
Nghiên cứu của ông Zhu mặc nhiên cho rằng Hải Nam được kết nối về mặt vật lý với Việt Nam ở kỷ Đại Trung Sinh. Là thời đại của loài bò sát, giai đoạn này đã chứng kiến sự gia tăng và tuyệt chủng của loài khủng long cách đây khoảng 252-66 triệu năm.
Cũng theo nghiên cứu, đảo Hải Nam tách ra từ Việt Nam và di chuyển về phía đông nam sau Đại Trung Sinh cho tới khi ổn định ở vị trí hiện tại. Nguyên nhân của sự phân tách này là do hoạt động của núi lửa ở Vịnh Bắc Bộ.
Nhưng nghiên cứu cũng nói thêm rằng toàn bộ Hải Nam không hoàn toàn thuộc về Việt Nam. Ví dụ như mũi đông bắc của hòn đảo này từng kết nối với tỉnh Quảng Tây vào thời điểm đó.
Bảo Linh (SCMP)