(Tinmoi.vn) Học giả Lý Lệnh Hoa, một nhà nghiên cứu Trung Quốc nổi tiếng với quan điểm phản bác “đường lưỡi bò” đã viết trên blog cá nhân của ông trên mạng Sina rằng Trung Quốc nên tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong việc di dời giàn khoan trên Biển Đông.
Học giả Lý Lệnh Hoa, người nổi tiếng với quan điểm phản bác "đường lưỡi bò" của Trung Quốc
Trong bài viết được đăng vào lúc 21g39 ngày 6/5, học giả Lý cho biết phóng viên của Thời báo Hoàn Cầu đã liên hệ hỏi quan điểm của ông về tình hình mấy ngày qua ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến khai thác thăm dò ở vùng biển trên.
Ông Lý Lệnh Hoa đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình khi cho rằng Trung Quốc là một trong các nước ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 thì nên tuân theo điều thứ 74 và 83 của công ước này, phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh. Ông khẳng định nội dung liên quan đến vấn đề này ông thường xuyên viết trên blog của mình trong thời gian gần đây và hi vọng phóng viên của Thời báo Hoàn Cầu nên xem qua và trao đổi sâu hơn về quan điểm này.
Giàn khoan HD-981 do Tổng công ty Dầu khí Hải Dương, Trung Quốc đặt tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam
Nhận định của ông được đưa ra trong bối cảnh Tổng công ty Dầu khí Hải Dương nước này (CNOOC) hồi đầu tháng đưa giàn khoan HD-981 vào định vị khoan tại vị trí tọa độ 15o29'58" vĩ Bắc – 111o12'06" kinh Đông. Việt Nam khẳng định vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gọi động thái của Bắc Kinh là bất hợp pháp và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, trong cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ông cho biết Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đồng thời, Việt Nam cũng luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác.
Chiều 6.5, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì về việc giàn khoan HD-981 và nhiều tàu của Trung Quốc hoạt động tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam từ ngày 1.5 đến nay.
Tại cuộc điện đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp; đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bộ ngoại giao Mỹ ngày 6.5 cũng đã lên tiếng cảnh báo về việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực Biển Đông, cho rằng đây là một hành động mang tính khiêu khích và gây bất ổn định khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki nhấn mạnh "các hành động như thế không được phép xảy ra trong khu vực tranh chấp”, đồng thời cho biết Mỹ đã và đang xem xét nghiêm túc sự việc này.
Học giả Lý Lệnh Hoa là cựu thành viên Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc. Ông từng khẳng định Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để xác định "đường chín đoạn" là đường biên giới quốc gia của mình. Ông Lý cũng từng nhận định các học giả và phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã góp phần không nhỏ vào việc kích động người dân về vấn đề biển Đông, trong khi không đưa ra được căn cứ cụ thể để chứng minh những tuyên bố phi lý của Trung Quốc ở biển Đông là đúng.
Ông cũng từng phản bác thẳng thừng luận điệu của giáo sư Lý Kim Minh thuộc Đại học Hạ Môn cho rằng “chủ quyền Trung Quốc có trước UNCLOS”, hay việc học giả Lý Quốc Cường thuộc Trung tâm Nghiên cứu sử địa biên giới Trung Quốc cứ nói rằng “Bắc Kinh có đủ bằng chứng pháp lý” mà không đưa ra được bằng chứng xác thực. Ông kêu gọi các học giả tìm hiểu một cách nghiêm túc, dựa vào sự thật mà nói, thay đổi quan niệm lỗi thời và không chính xác của mình liên quan đến vấn đề biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải).
Yên Yên (Tổng hợp)