Lời đe dọa hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc được hiểu là Mỹ không chỉ tấn công chính quyền Kim Jong-un mà còn xóa sổ người dân Triều Tiên.
"Mỹ có sức mạnh và sự kiên nhẫn lớn lao, nhưng nếu bị buộc phải bảo vệ bản thân hoặc các đồng minh, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào ngoại trừ huỷ diệt hoàn toàn Triều Tiên", ông Trump nói trong bài phát biểu đầu tiên của ông tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 19/9.
Tuy nhiên, trong tuyên bố của mình, ông Trump dường như cũng để ngỏ "đường lùi" khi nói, Mỹ sẽ dùng đến biện pháp hủy diệt nếu bị buộc phải bảo vệ bản thân hoặc đồng minh.
Trước đó, ông Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên, như lời đe dọa "trút lửa và thịnh nộ" lên Triều Tiên. Tuy nhiên, "lửa và thịnh nộ" có thể được hiểu là lời đe dọa loại bỏ chính quyền Kim Jong-un. "Hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên" dường như là một tín hiệu với người dân Triều Tiên rằng họ cũng có thể bị xóa sổ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu cứng rắn tại Liên Hợp Quốc về vấn đề Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Theo Washington Post, Trump dường như đưa ra lời đe dọa chưa từng có tiền lệ về việc xóa sổ toàn bộ quốc gia, có thể bằng vũ khí thông thường hoặc vũ khí hạt nhân.
Điều đáng nói là, bài phát biểu này của Trump được chuẩn bị kỹ càng, không giống như lời đe dọa "trút lửa và thịnh nộ" mà Nhà Trắng từng thừa nhận là lời bình luận bột phát của Tổng thống.
Việc ông Trump đứng trước đại diện các nước ở Liên Hợp Quốc đe dọa hủy diện toàn bộ cả một quốc gia được coi là ranh giới đỏ, khẳng định cam kết dùng giải pháp quân sự với Triều Tiên của ông Trump mà một khi xảy ra, không có cách nào có thể đảo ngược.
Một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc cho biết khán phòng đã sửng sốt khi Trump đưa ra tuyên bố.
"Bạn có thể cảm thấy cơn gió lạnh lẽo thổi qua phòng khi ông ấy nói vậy", quan chức này nói.
Các chuyên gia nhận xét Trump có lẽ đang đi theo hướng tỏ ra mình khó đoán và bốc đồng để các nhà lãnh đạo thế giới khác phải lo sợ làm ông tức giận.
"Dường như ông ấy được cố vấn rằng việc đưa ra những ngôn từ ngày càng gay gắt hơn sẽ hăm dọa được Kim Jong-un nhưng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào như vậy", cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhận định.
Những vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp của Triều Tiên khiến chính quyền Trump ngày càng mất kiên nhẫn. Ảnh: KCNA |
"Không nên nhắc đến chuyện hủy diệt một quốc gia khác như vậy. Ông Trump dùng cụm từ người tên lửa với Kim Jong-un cũng không phù hợp", Scott Sagan, giáo sư chính trị khoa học tại Đại học Stanford nói.
Theo ông Sagan, tổng thống Mỹ vô tình "tạo thêm cớ để Triều Tiên tiếp tục gia tăng sức mạnh quân sự, phát triển vũ khí hạt nhân".
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại bày tỏ sự lạc quan, bởi nếu 4 đời tổng thống Mỹ trước đây đã thất bại trong việc kiềm chế Triều Tiên, có thể ông Trump với cách tiếp cận cứng rắn hơn lại có thể thành công.
Suốt hơn 2 thập kỷ qua, Washington không đưa ra được Chính sách hiệu quả để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Khi mới lên nắm quyền, ông Trump dường như không mấy quan tâm đến vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, những vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp của Triều Tiên khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng thể hiện sự mất kiên nhẫn.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc nói đã "hết cách" với Triều Tiên và vấn đề này nên được chuyển cho Lầu Năm Góc, trong khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, tướng McMaster thì liên tục đề cập đến khả năng dùng vũ lực với Triều Tiên.
Lê Huyền (Washington Post)