Mới đây, Tổng thư ký Interpol cho biết việc Mạnh Hoành Vĩ bị điều tra là quyết định mang tính chủ quyền của Trung Quốc và họ buộc phải đồng ý.
Hãng thông tấn AFP đưa tin dẫn lời của Tổng thư ký Interpol Juergen Stock hôm qua phát biểu trong cuộc họp báo tại Lyon, Pháp, đề cập tới cựu chủ tịch Mạnh Hoành Vĩ "Chúng tôi buộc phải chấp nhận, giống như với bất cứ quốc gia nào khác, rằng Trung Quốc đang đưa ra quyết định mang tính chủ quyền. Nếu họ nói rằng: "Chúng tôi đang điều tra, chủ tịch đã từ chức và không còn là đại diện của đất nước' thì chúng tôi buộc phải đồng ý".
Cựu chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ tại hội nghị an ninh mạng ở Moskva, Nga hồi tháng 7. Ảnh: Tass |
Theo đó, ông Stock cho biết Interpol đang "tích cực khuyến khích Trung Quốc cung cấp thêm các thông tin chi tiết" về cuộc điều tra đối với ông Mạnh. Vợ ông, bà Grace Mạnh, thông báo với cảnh sát Pháp về việc chồng mình "mất tích" sau khi trở về Trung Quốc hôm 25/9.
Hôm 7/10, phía Interpol đã nhận được đơn từ chức "có hiệu lực lập tức" của ông Mạnh. Bắc Kinh cũng xác nhận ông đang bị điều tra với cáo buộc hối lộ và một số tội danh khác.
Tổng thư ký Interpol cho biết ông không có thêm thông tin nào về cựu chủ tịch Mạnh và chỉ có thể nói rằng cáo buộc nhận hối lộ chống lại ông này không liên quan đến quá trình làm việc của ông ở Interpol.
"Tôi không có lý do nào để nghi ngờ rằng có bất cứ sự ép buộc hay sai trái nào ở đây", Stock nói, đề cập đến đơn từ chức của ông Mạnh. Người kế nhiệm ông sẽ được chỉ định vào cuối tháng này tại hội nghị của Interpol ở Dubai.
Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm điều tra ông Mạnh, có quyền giữ nghi phạm trong vòng 6 tháng và không cho phép họ tiếp xúc với luật sư. Trong khi đó, bà Grace Mạnh nói rằng đã mời hai công ty luật tại Anh và Pháp để hỗ trợ cho chồng.
Trước khi được bầu làm chủ tịch Interpol năm 2016, Mạnh Hoành Vĩ là thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Ông là lãnh đạo người Trung Quốc đầu tiên của Interpol trong lịch sử 95 năm của tổ chức này.
Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (Chính hiệp) Trung Quốc hôm 27/10 đã đề xuất miễn nhiệm tư cách thành viên Ủy ban đối ngoại của ông Mạnh.
Minh Di (tổng hợp)