Ủy ban điều tra (JIT) gồm các chuyên gia đến từ Hà Lan, Úc, Bỉ, Malaysia và Ukraine đưa ra kết luận máy bay MH17 bị bắn rơi ở Ukraine bởi một tên lửa Buk được vận chuyển từ Nga do nhóm ly khai tại đây thực hiện.
Họp báo tại Hà Lan điều tra vụ máy bay MH17 bị bắn rơi. Ảnh: Reuters |
Tờ New York Times dẫn kết quả của ủy ban điều tra tại Hà Lan chiều 28/9 (theo giờ Việt Nam), kết luận, hệ thống tên lửa đất đối không được dùng để bắn hạ máy bay của Malaysia Airlines trên bầu trời Ukraina cách đây 2 năm khiến 298 người thiệt mạng. Buk được vận chuyển từ Nga vào theo đề nghị của lực lượng ly khai Ukraina và trở lại Nga ngay đêm đó.
Ngày 13/10/2015, ông Tjibbe Joustra, Chủ tịch Ủy ban an toàn Hà Lan (DSB) cũng chính thức công bố máy bay MH17 bị tên lửa Buk bắn hạ. Ảnh: Reuters |
Tại thời điểm gặp nạn, chiếc máy bay Boeing 777 số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airline trên đường bay từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kular Lumpur (Malaysia).
JIT cho biết hệ thống tên lửa Buk được đưa vào Ukraine từ Nga. JIT có một đoạn ghi âm cho thấy nhóm phiến quân yêu cầu hệ thống tên lửa Buk và sau đó nhận được một cái. JIT cũng cho biết sau khi MH17 bị bắn, hệ thống tên lửa Buk được đưa trả lại Nga.
Hãng tin Reuters dẫn lời thành viên gia đình nạn nhân của vụ rơi máy bay MH17 cho biết, các công tố viên quốc tế tham gia điều tra vụ việc kết luận rằng tên lửa bắn vào MH17 là do Nga sản xuất, và được bắn đi từ khu vực do quân ly khai Ukraina chiếm giữ, ở đông Ukraina.
Theo đó, hệ thống tên lửa đất đối không do Nga sản xuất là Buk, cụ thể là tên lửa 9M38, đã bắn trúng máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia, khi nó đang trên đường bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur, hôm 17/7/2014.
Hệ thống tên lửa Buk đã được vận chuyển từ Nga sang đông Ukraina, sau đó được đưa trở lại Nga ngay sau khi khai hỏa.
Tuy nhiên, phía Nga đã cực lực phản đối kết luận này. Điện Kremlin nói rằng dữ liệu radar cho thấy máy bay không bị bắn bởi tên lửa phóng đi từ khu vực do quân ly khai kiểm soát.
Ông Dmitry Peskov – người phát ngôn của Điện Kremlin khẳng định: “Dữ liệu radar ban đầu nhận diện được mọi vật thể bay có thể được phóng đi từ mặt đất hoặc trên không qua khu vực do quân ly khai kiểm soát vào thời điểm đó. Dữ liệu cho thấy không hề có tên lửa nào. Nếu có tên lửa phóng đi thì nó chỉ có thể ở một nơi nào đó khác”.
Hiện JIT tuyên bố họ sẽ kiểm định lại các hình ảnh từ radar do Nga ghi được và cung cấp. Mặt khác, ban điều tra cũng sẽ công bố chi tiết hơn nữa địa điểm khai hỏa tên lửa, và loại tên lửa Buk đã được sử dụng.
Được biết, ngay khi MH17 gặp nạn, Ukraina và Hoa Kỳ đã khẳng định máy bay bị trúng tên lửa Buk của phe nổi dậy ở miền Đông Ukraina và loại vũ khí này do quân đội Nga cung cấp. Phía Matxcơva đã cực lực bác bỏ cáo buộc trên và quy trách nhiệm cho quân đội chính quy của Ukraina.
Đức Hòa (tổng hợp)