Nhật báo Bắc Kinh ngày 27/10 đăng tải thông tin cho biết Trung Quốc dự định xây sân bay riêng của mình ở Nam Cực, nhằm tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng xa xôi, hẻo lánh nhất trên thế giới này.
Đường băng được xậy dựng để hỗ trợ bốn trạm nghiên cứu của Trung Quốc tại lục địa băng giá này, tờ Bắc Kinh Evening News cho biết, nhưng không có thông tin chi tiết về chiều dài và công suất của đường băng.
“Trung Quốc đã xây dựng bốn trạm nghiên cứu Nam Cực. Tuy nhiên vẫn chưa có sân bay riêng dành cho máy bay có cánh cố định. Các nhà nghiên cứu phải dựa vào vận tải biển. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thăm dò khoa học", theo Bắc Kinh Evening News.
Tờ báo này cho hay, theo dự kiến, sân bay sẽ nằm gần trạm nghiên cứu Trung Sơn, nhưng không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào về cơ sở mới. Trung Sơn là trạm nằm trên bờ biển Nam Cực gần đồi Larsman, phía Tây Nam Australia.
Tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc ở Nam Cực
Hồi tháng Tư năm nay, phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc đã hoàn thành chuyến thám hiểm thứ 30 đến Nam Cực.
Ngày 30/10 tới con tàu này sẽ khởi hành từ Thượng Hải, lên đường vào cuộc thám hiểm mới ở vùng cực nam để chuẩn bị công việc xây dựng sân bay.
Hiện có khoảng 30 nước, tất cả đều là thành viên của Hiệp ước châu Nam Cực 1959, tham gia hoạt động nghiên cứu tại các căn cứ trên lục địa này. Hiệp ước nói trên nhằm làm giảm khả năng đối đầu do tranh chấp lãnh thổ tại đây. Hiệp ước cấm mọi hoạt động quân sự tại Nam Cực, kể cả xây sân bay quân sự, diễn tập quân sự hay thử vũ khí.
Vào cuối năm ngoái, một nhóm chuyên gia địa chất Anh công bố phát hiện bằng chứng cho thấy kim cương tồn tại ở những ngọn núi phủ băng tại Nam Cực.
Theo khảo sát được công bố trên tạp chí Nature Communication, các nhà khoa học đã phát hiện tại khu vực quanh năm đóng băng ở Nam Cực đá kimberlite - loại đá núi lửa kali thường có chứa kim cương. Họ thông báo đã tìm thấy ba mẫu kimberlite ở sườn núi Meredith, phía Bắc dãy núi Prince Charles.
Trong số khoảng 30 quốc gia đặt trạm nghiên cứu ở Nam Cực, Trung Quốc là nước đến muộn, chỉ bắt đầu nghiên cứu từ năm 1984 và đặt cơ sở đầu tiên một năm sau đó.
Tháng 2 năm nay Trung Quốc đã khánh thành trạm nghiên cứu thứ 4 tại Nam Cực và thông báo về việc xây dựng trạm nghiên cứu thứ 5 của nước này.
Quan chức Cục Hải dương Trung Quốc Khúc Đàm Trụ từng nói thẳng: "Là quốc gia đến sau trong việc nghiên cứu khoa học ở Nam Cực, Trung Quốc đang cố đuổi kịp các nước khác".
Yên Yên (Tổng hợp)
Theo Người đưa tin