Thành phố cổ Pompeii của Ý bị chôn vùi hoàn toàn bởi một vụ phun trào kéo dài hai ngày của núi lửa Vesuvius năm 79, cách đây gần 2000 năm trước. Pompeii bị vùi dưới 18 mét tro và đá bọt. Gần đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một "nhà tù làm bánh" nhỏ tại một địa điểm ở Pompeii.
Theo dấu tích còn sót lại, các nhà khảo cổ học tìm thấy hài cốt của nô lệ và động vật bị cầm tù tại tiệm bánh. Tiệm bánh là nơi nô lệ và động vật trong đó có lừa bị buộc phải làm công việc xay ngũ cốc cực nhọc, không có cửa ra vào và không có cách nào để những nô lệ này liên lạc với bên ngoài. Các nhà khảo cổ học cho rằng, đây là một phát hiện gây sốc về chế độ nô lệ thời La Mã cổ đại.
Theo CNN, ngày 8/12, các nhà khảo cổ học khai quật một địa điểm nằm trong khu bảo tồn rộng lớn chưa được phát triển ở thành phố cổ Pompeii. Phát hiện này được thực hiện tại khu vực Regio IX của địa điểm du lịch nổi tiếng, đây cũng là nơi diễn ra cuộc khai quật khảo cổ hiện tại. Khu vực này hiện đang được khai quật như một phần của dự án lớn hơn được thiết kế để bảo vệ và duy trì các khu vực đã được khai quật trước đây của thành phố La Mã.
Khi các nhà khảo cổ khai quật một ngôi nhà lớn, họ phát hiện ra căn phòng này gắn liền với "nhà tù bánh mì". Tàn tích của "nhà tù" nằm trong khu vực làm việc bên hông dinh thự, trên tường của ngôi nhà có những cửa sổ nhỏ với song sắt cao, từ trong phòng không thể nhìn thấy bên ngoài. Trên tường có vài vết lõm hình bán nguyệt, trên sàn cũng có một vết lõm nhưng bị mòn do đi di chuyển nhiều lần. Vết lõm này được cho là chủ nhân căn biệt thự dùng để điều phối chuyển động của công nhân và động vật. Phân tích sâu hơn cho thấy có thể vết lõm này đã được cố tình khoét để cho con lừa di chuyển dọc theo đường ray và chống trượt.
Thi thể của ba nạn nhân của vụ phun trào đã được tìm thấy trong những tháng gần đây, được cho là cư dân trong nhà chứ không phải nô lệ.
“Những gì đã xuất hiện là bằng chứng về công việc vất vả mà đàn ông, phụ nữ và động vật phải chịu đựng trong các xưởng làm bánh cổ xưa”, Gabriel Zuchtriegel - giám đốc Công viên khảo cổ Pompeii cho biết.
Các nhà khảo cổ cũng tin rằng những vết lõm trên tấm sàn không phải được tạo ra bởi chuyển động lặp đi lặp lại mà được chạm khắc để ngăn lừa và các động vật khác trượt trên vỉa hè và buộc chúng chỉ phải đi theo chuyển động tròn để nghiền ngũ cốc, gần giống như một cái máy xay.
Zuchtriegel nói: “Từ các trang sách văn học, đặc biệt là các bức phù điêu từ lăng mộ Eurysaces ở Rome cho thấy cối xay thường được di chuyển bởi một con lừa và một nô lệ”.
Một nô lệ khác ngoài việc bốc vác đá mài còn có nhiệm vụ động viên con vật và giám sát quá trình xay, thêm ngũ cốc và cho thành phẩm bột mì vào bao tải.
Các nhà khảo cổ đã xác định cách thức hoạt động của nhà tù bánh mì thời La Mã cổ là các con vật bị bịt mắt và buộc phải đi vòng tròn vài giờ mỗi ngày, giống như kim đồng hồ và bánh mì do nô lệ làm ra đã được bán ra bên ngoài.
Ở phía bên kia của dinh thự là khu sinh hoạt của chủ nhân, nơi có những bức bích họa tinh xảo, khi được khai quật còn ở tình trạng tốt, dinh thự đang được cải tạo vào ngày núi lửa phun trào.
Zuchtriegel cho biết những tiệm bánh trong tù này trước đây đã được nhà văn La Mã Apuleius mô tả vào thế kỷ thứ 2 CN, trong cuốn tiểu thuyết “Metamorphoses” (còn được gọi là “Con lừa vàng”), trong đó nhân vật chính, Lucius bị “biến thành một con lừa và bị bán cho một người thợ xay". Zuchtriegel cho biết tập phim dựa trên kiến thức trực tiếp của nhà văn về động vật và con người cùng chung sống và làm việc.
Apuleius từng miêu tả về những nô lệ trong "nhà tù bánh mì" với hình ảnh gây sốc như họ là những người có làn da "với những vết bầm tím", "trán có vết hằn", "chân bị xích vào nhau".
Apuleius viết: “Gương mặt họ cũng tái nhợt một cách khốn khổ, mắt họ mờ đục đi vì sức nóng thiêu đốt trong bóng tối, họ gần như không thể nhìn thấy gì, mặt họ trở nên trắng bệch bởi tro, bột mì”.
Không riêng gì nô lệ mà ngay cả những con lừa cũng phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, chúng bị bịt mắt và buộc phải đi vòng tròn trong nhiều giờ. Apuleius viết: “Sườn của chúng bị cắt đến tận xương do bị đánh không ngừng nghỉ", “móng guốc của chúng bị biến dạng thành những kích thước kỳ lạ do đi vòng quanh lặp đi lặp lại, và toàn bộ da của chúng bị ghẻ lở và ruột rỗng tuếch vì đói".
Ảnh: CNN, Dailymail.