Theo tin tức trên Vnexpress, Tuổi trẻ, chiều 10/4, TAND TP HCM đã nhận được đơn kháng cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) về bản án ly hôn sơ thẩm tuyên hôm 27/3.
Vụ án ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo kéo dài suốt 3 năm nay thu hút sự chú ý của nhiều người. Và khi vợ chồng ông chủ Trung Nguyên đang mải miết với kiện tụng thì một thương hiệu cafe khác đã vượt mặt Trung Nguyên trở thành bá chủ chuỗi về số điểm bán.
Kể từ mốc 2015 - thời điểm hai vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo lục đục chuyện ly hôn, số điểm bán của Trung Nguyên giảm tới hơn 1.400 cửa hàng chỉ trong vòng 3 năm. Đến năm 2017, chuỗi cà phê giữ ngôi vương về điểm bán không còn là cái tên Trung Nguyên, mà là một cái tên ít nổi khác.
Thương hiệu Milano Coffee đang giữ vị trí bán chủ đề điểm bán.
Việc buông lỏng quản lý cấp phép nhượng quyền khiến số điểm bán của Trung Nguyên từ 2.475 quán vào năm 2014 rớt xuống còn 1.024 quán vào năm 2017, nhường vị trí "bá chủ" về điểm bán cho Milano Coffee, theo số liệu cập nhật của Euromonitor.
Số liệu trên đã cộng cả thương hiệu Trung Nguyên lẫn Trung Nguyen Legend - một thương hiệu chuỗi cao cấp của Trung Nguyên ra mắt hồi năm 2015 nhằm lấy lại danh tiếng cho "vua cà phê" một thời, nhưng đến nay vẫn chưa ghi nhận thành công đáng kể nào.
Theo số liệu của Euromonitor, bên cạnh việc quản lý nhượng quyền lỏng lẻo, lý do số điểm bán của Trung Nguyên sụt mạnh còn do những "tay chơi" nhượng quyền giá rẻ trên thị trường xuất hiện như Milano Coffee, Napoli Coffee và Viva Star.
Buông lỏng quản lý, nhiều quán cà phê nhượng quyền đã đổi biển hiệu "Trung Nguyên" thành Milano, Napoli, và Viva Star. Việc nhiều quán cà phê đổi biển hiệu "Trung Nguyên" thành biển hiệu "Milano" đã khiến số lượng điểm bán của thương hiệu này tăng vọt.
Được biết tính đến năm 2017, thương hiệu Milano Coffee của Công ty TNHH Cà phê Lê Phan đã có tới 1.045 điểm bán. Tính về số điểm bán, thương hiệu này đã vượt Trung Nguyên, tính về quy mô diện tích thì chưa chắc, bởi Milano đi theo hướng "nhanh" với mô hình quán nhỏ chừng 30m2, trong khi quy mô một cửa hàng của Trung Nguyên lớn hơn nhiều.
Công ty TNHH Cà phê Lê Phan do doanh nhân Lê Minh Cường làm chủ, nhắm tới khách bình dân với định vị cà phê thật, không pha trộn. Anh Cường bước chân vào ngành cà phê từ năm 1996, với việc đứng máy rang xay và bỏ mối cà phê, đến năm 2011 ông mới lập công ty Lê Phan.
Giờ đây, thị trường đang chờ xem ông Vũ làm gì với thương hiệu Trung Nguyên khi nhiều lần ông nói Trung Nguyên cần một chiến lược khác để có bước phát triển mới.