“Vua đồ cổ” Sài Gòn được cho là đang sở hữu một chiếc sập “độc nhất vô nhị” với giá trị khủng lên tới 40 tỉ đồng, bên cạnh rất nhiều món đồ cổ có giá trị khác của ông với tổng giá trị lên tới 100 triệu USD.
Tin tức trên báo Khám phá cho biết, ông Hoàng Văn Cường được giới chơi cổ vật mệnh danh là “vua đồ cổ Sài Gòn” bởi số lượng cổ vật ông có thuộc loại “khủng”, với đủ loại cổ vật có niên đại từ vài trăm năm như thời các triều Nguyễn, thời Quang Trung… hay cổ vật có niên đại cả ngàn năm ở thời Óc Eo, Sa Huỳnh, Đông Sơn… Có những món đồ sứ men màu lam, chỉ dụ của vua hay những cây đèn dầu được chạm khắc tinh vi, sắc sảo. Những bộ sưu tập độc sắc (chỉ một màu trắng) của các triều đại Tống, Minh, Nguyên, Thanh (Trung Quốc)…
Cận cảnh chiếc sập 40 tỉ và chủ nhân, ông Hoàng Văn Cường. Ảnh: Zing; Khám phá |
Trong đó, chiếc sập ba thành có tuổi đời hơn 300 năm và nguồn gốc từ Trung Quốc, được một viên quan triều đình Huế mua về dùng để hút thuốc là có giá trị lớn nhất. Chiếc sập này được làm nguyên miếng bằng gỗ lệ chi (cây vải), được chạm khắc rất tinh xảo với hình con rồng đang ôm quả địa cầu.
[mecloud]uVb9Uv53Gi[/mecloud]
Cận cảnh kho đồ cổ nghìn tỉ của "Vua đồ cổ"
Hiện chiếc sập được giới chơi đồ cổ đánh giá là có một không hai. Theo ông cho biết ông đã mua chiếc sập này vào năm 1976 ở tận Hà Tiên với giá 5 cây vàng. Nhưng cách đây mấy năm đã có người trả ông 2 triệu USD (tức là hơn 40 tỷ đồng) nhưng ông không bán.
Chia sẻ trên Zing.vn, ông Cường cho hay: "Chiếc sập này được làm nguyên miếng bằng gỗ Lệ Chi, được chạm khắc rất tinh xảo với hình con sư tử đang ôm quả địa cầu, hai bên là hai con voi chầu. Mỗi khi nằm trên chiếc sập này để nghỉ ngơi hay ngủ, khi dậy cảm thấy rất thoải mái".
Chiếc "Long sàng ấu Chúa" đắt giá. Ảnh: Zing; Khám phá |
Ngoài chiếc sập đáng giá, ông Cường còn sở hữu 9 chiếc long sàng (giường của vua). Trong đó, lớn nhất là chiếc "Long sàng ấu Chúa" (giường dành cho con Vua) có từ thời Vua Tự Đức thế kỷ 18 có giá trị hàng tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn sở hữu 25 cây súng Nhật được chế tạo từ năm 1600 có báng súng được làm bằng ngà voi… cùng vô số bảo vật có giá trị khác.
Một số món đồ quý hiếm, đắt giá khác. Ảnh: Báo Khám Phá |
Tổng giá trị cổ vật của ông Cường theo giới chơi đồ cổ đánh giá khoảng 100 triệu USD. Do số lượng cổ vật sưu tầm lớn nên ông Cường phải chia làm 3 nơi để trưng bày, triển lãm tại một căn nhà ở trung tâm quận 1 và hai nơi khác ở quận 7 và quận 9 (TPHCM).
Được biết, gia đình ông gốc Huế, cho đến nay đã có 4 đời theo nghề sưu tầm cổ vật, từ ông nội ông tới đời con ông bây giờ. Cha mẹ ông có tất cả 5 người con nhưng chỉ có ông là con trai. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó vì cha mẹ ông chủ yếu chỉ bán hàng gạo cơm mắm muối nhỏ ngay đầu hẻm nhà, thu nhập chỉ giúp cho nhu cầu tối thiểu.
Theo báo Tiền Phong, với hoàn cảnh như vậy nên mới 10 tuổi ông đã bỏ nhà đi bụi vào Đà Nẵng với mong muốn thay đổi số phận. Tại đây ông lăn lộn làm đủ nghề như bán báo, đánh giày, ai thuê gì làm nấy. Trong một lần đánh giày cho khách, ông đã gặp một viên sĩ quan Mỹ. Và cuộc gặp định mệnh này đã thay đổi cuộc đời ông.
Thấy ông nghèo khó, nhưng trung thực, ngoan ngoãn và tận mắt chứng kiến hoàn cảnh ông sống trong một ống cống bên lề đường, viên sĩ quan này đã đưa ông về doanh trại cho ăn uống… Tại đây với con mắt nhanh nhạy, ông thấy tình trạng quần áo quân trang của một số lính Mỹ trong phòng dơ bẩn nhưng không có người lo liệu nên đã đề nghị mang đi thuê người dân giặt giũ sạch sẽ. Sau đó, quen việc ông đã "bao thầu" việc giặt quần áo cho lính Mỹ…
Bộ bàn gỗ trắc từ thế kỷ 16. Ảnh: Zing.vn |
Tiếp đó ông thầu luôn việc cung cấp thực phẩm tươi cho nhiều doanh trại lính Mỹ (sau đó là gần như khắp miền Nam), thu gom phế liệu đạn dược bán cho nước ngoài... Thời đó chưa có nhà máy tái chế phế liệu nên công việc của ông khá nhiều lợi nhuận. Khi có nhiều tiền ông tiếp tục mở một trạm xăng dầu… Điều đáng nói tất cả những việc này ông làm khi chỉ mới 14-15 tuổi và khi 16 tuổi ông bảo rằng mình đã có hàng trăm ngàn đô la, thậm chí cả triệu đô la trong tay.
Khoảng giữa năm 2014, giới chơi cổ vật đã xôn xao trước việc ông quyết định công bố hiến 70% giá trị khối tài sản cổ vật của mình ủng hộ cho chương trình vì biển đảo quê hương do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh phát động.
Trong di chúc do ông tự tay viết có đoạn "Toàn bộ tài sản bán ra, 70% hiến cho biển đảo, đồng bào ngư dân nghèo có tâm huyết vì biển đảo; hằng tháng, hằng năm bám biển nếu có sự cố hoặc tai nạn biển sẽ có số tiền ứng phó tiếp sức cho đồng bào ngư dân. 30% cho con cái và dòng họ, nội ngoại hai bên còn nghèo lắm, để xây từ đường hai bên nội ngoại. Đây là thông điệp thay lời di chúc".
Chia sẻ về việc liệu con cái hay người thân của ông có ủng hộ hay không. trả lời trên báo Tiền Phong, ông Hùng cho biết: "Tôi đã họp tất cả người thân để tuyên bố quyết định của mình. Trước tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn, nguy biến, bản thân từng người dân đều muốn đóng góp sức mình cho đất nước. Hơn nữa, số 30% giá trị tài sản, tôi nghĩ vợ con tôi và người thân đã tương đối đủ đầy để sống sung túc. Tiền bạc chỉ là vật ngoại thân, khi chết có mang theo được đâu...".
Nam Nam (Tổng hợp)