Sau khi tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực, Đài Loan nói sẽ điều thêm tàu tuần duyên ra đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Alex Huang (Hoàng Trọng Ngạn), người phát ngôn văn phòng lãnh đạo Đài Loan, lớn tiếng nói phán quyết từ PCA không ràng buộc pháp lý và sẽ không để những lợi ích của hòn đảo bị ảnh hưởng. Theo ông Huang, tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua đàm phán đa phương.
Theo Straits Times, Đài Loan sau đó thông báo sẽ điều động thêm tàu tuần duyên đến đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa, để tuần tra vùng biển quanh nó.
Đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Google Maps. |
Trước đó, hôm 10/7, Đài Loan đã điều một tàu tuần duyên 2.000 tấn đến đảo Ba Bình.
Đảo Ba Bình có diện tích gần 0,5 km2, là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, hiện đang bị Đài Loan chiếm giữ trái phép.
Trong phán quyết đưa ra chiều ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan tuyên bố, đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đang bị Đài Loan kiểm soát cũng không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Phán quyết cũng khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò", tuyên bố của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, đồng thời không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế cho nước này.
"Tòa thấy rằng không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã thực thi quyền kiểm soát hoàn hoàn về mặt lịch sử đối với vùng biển hoặc các nguồn tài nguyên. Tòa cũng kết luận rằng không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc khẳng định quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên nằm trong 'đường 9 đoạn'", phán quyết nêu rõ.
[mecloud]I7qy8gafCg[/mecloud]
Lê Huyền (tổng hợp)