Thời xưa, xã hội phong kiến có hệ thống phân cấp chặt chẽ, hoàng đế là biểu tượng cao nhất của người cai trị. Không ai dám trái lệnh ông, dù lý do có chính đáng đến đâu. Cuộc đời của hoàng đế cũng rất độc đáo vì địa vị và trang phục vô cùng đặc biệt.
Chúng ta đều biết chiếc long bào mà hoàng đế mặc là biểu tượng của quyền lực tối cao, trị giá rất nhiều tiền. Nguyên liệu sử dụng để làm ra nó vô cùng quý giá, quy trình làm phức tạp, tiêu tốn nhiều thời gian và nhân lực. Quần áo của hoàng đế cũng khó tránh bụi bẩn. Vậy khi long bào bị bẩn thì phải giặt thế nào?
Trong các bộ phim truyền hình cổ trang, chúng ta thường thấy các vị hoàng đế mặc long bào màu vàng. Những triều đại khác nhau sẽ quy định về trang phục khác nhau, tùy vào luật pháp và sở thích của hoàng đế. Ví dụ vào thời Tần Thủy Hoàng, ông tin vào thuyết Ngũ Đức nên đã chọn long bào màu đen, trong khi hoàng đế nhà Hán lại đổi sang màu vàng.
Vào thời nhà Đường, Đường Cao Tổ đã ban hành quy định yêu cầu người dân không được mặc quần áo màu vàng và long bào chỉ dành cho nhà vua. Quy tắc này được các triều đại về sau tuân theo. Những biến cố lịch sử sau này khiến long bào trở nên sâu sắc hơn trong lòng người dân.
Long bào thường thêu hoa văn rồng, đó là biểu tượng của sự tốt lành và quyền lực theo quan niệm của người Trung Quốc xưa. Vì vậy, long bào mà hoàng đế mặc tượng trưng cho địa vị và quyền lực của ông.
Tổng cộng có 9 con rồng trên long bào, nằm ở các vị trí khác nhau. Có một con rồng ở ngực và sau lưng, 2 con vai trái và phải, 2 con ở đầu gối trước và sau, con cuối cùng ở bên trong áo. Tại sao lại là 9 con rồng? Trong truyền thuyết Trung Quốc, 9 là con số biểu tượng cho sự cao quý.
Thời xa xưa, việc làm ra long bào là một quá trình cực kỳ nghiêm ngặt, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể bị trừng phạt nặng, thậm chí mất mạng. Vì vậy, mọi chi tiết đều phải được trau chuốt và phấn đấu đạt tới sự hoàn hảo. Làm long bào đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn và cẩn thận, không có chỗ cho sự cẩu thả.
Là trang phục độc quyền của hoàng đế nên quy trình sản xuất long bào cũng rất rườm rà. Các loại lụa và sa tanh được chọn đều đắt tiền, chủ yếu có màu vàng. Hoa văn được thêu lên phải cẩn thận trong từng đường kim mũi chỉ. Các sợi tơ thậm chí còn đắt đỏ hơn, thường là dùng sợi lông công và sợi vàng thật.
Chi phí để may một chiếc áo long bào là khoảng 1.000 lạng bạc, tương đương 150.000 NDT ngày nay (hơn 500 triệu đồng). Đây chỉ là chi phí sản xuất, trên thực tế, giá của một chiếc long bào được làm tốt còn cao hơn con số này rất nhiều. Xét về độ hiếm và độc đáo thì áo long bào khá đắt.
Bởi vì áo long bào được làm rất tinh xảo, chất liệu vải đắt đỏ nên không thể giặt bằng nước như quần áo thông thường. Giặt sẽ làm hỏng chất liệu áo, thậm chí làm thay đổi độ bóng và hình dáng ban đầu của nó.
Thời xưa không có công nghệ giặt khô nhưng long bào không dễ bị ố màu. Hoàng đế sẽ chỉ mặc long bào vào những dịp đặc biệt như tế lễ, thờ cúng và các dịp trọng đại khác. Bình thường, vua sẽ chỉ mặc thường phục thoải mái nên tần suất sử dụng long bào không cao.
Ngay cả khi long bào có bụi bẩn trong quá trình sử dụng, nó vẫn có thể được làm sạch bằng các phương pháp đặc biệt. Nhưng nếu vết bẩn nghiêm trọng tới mức không thể xử lý thì người ta sẽ đem đốt. Mặc dù điều này có vẻ xa xỉ nhưng để ngăn long bào bị đánh cắp và sử dụng vào mục đích xấu, đốt dường như là lựa chọn duy nhất.
Thời xưa, long bào không chỉ là một bộ quần áo mà còn là biểu tượng của quyền lực và phẩm giá quốc gia. Vì vậy, việc bảo quản và xử lý long bào phải hết sức thận trọng. Bất kỳ sai sót nhỏ nào cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Đối với hoàng đế mà nói, việc đốt bỏ long bào cũng không quá nghiêm trọng. Hoàng đế sinh ra đã có tài sản vô tận nên đối với họ, giá trị của một bộ quần áo có thể không bằng chi phí sinh hoạt hàng ngày.