Ban chỉ hay còn được gọi là nhẫn hộ tiễn, là món đồ trang sức được đeo ở ngón tay cái khi người đàn ông đi cưỡi ngựa, bắn cung vào thời phong kiến ở Trung Quốc. Hành động này xuất hiện nhiều và phổ biến nhất là ở các hoàng đế, quý tốc, thân vương thời nhà Thanh - triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc.
Theo thuật ngữ, ban chỉ được hiểu là nhẫn ngọc, một loại nhẫn được thiết kế để đeo ở ngón tay cái, dùng với mục đích để bảo vệ ngón tay cái khi bắn tên. Tùy theo địa vị của người đeo mà "ban chỉ" cũng có chất liệu riêng như được làm từ da động vật, đá, sừng động vật, gỗ, xương, ngà voi, kim loại, ngọc, mã não,... Người có địa vị càng cao thì sử dụng nhẫn ban chỉ càng cao cấp và tinh xảo như hoàng đế, các thân vương quý tộc,...
Các nhà sử học Trung Quốc cho biết, các hoàng đế nhà Thanh đặc biệt rất yêu thích việc đeo nhẫn ngọc ở ngón tay cái, nhất là hoàng đế Càn Long. Đặc biệt, Hoàng đế Càn Long có những yêu cầu rất nghiêm ngặt về việc chế tạo nhẫn ban chỉ để bản thân đeo.
Chia sẻ trên Sohu, nhà sử học Trung Quốc Kỷ Liên Hải cho biết, các hoàng đế Thanh triều có niềm đam mê đeo nhẫn ban chỉ vì có liên quan đến tổ tiên của họ - người Nữ Chân, một bộ phận nhóm các dân tộc Tungus sinh sống chủ yếu ở khu vực Mãn Châu (Trung Quốc). Từ xa xưa, người Nữ Chân đã được mệnh danh là "mã bối thượng đích dân tộc", kiếm sống bằng nghề chăn nuôi và săn bắn. Cưỡi ngựa và bắn cung là những kỹ năng sinh tồn mà mọi người đàn ông Nữ Chân khi trưởng thành đều phải thành thạo. Vì vậy, cung tên và nhẫn ban chỉ trở thành món đồ không thể tách rời với họ.
Là hậu duệ của người Nữ Chân, những người sống ở khu vực Mãn Châu sẽ kế thừa lối sống của tổ tiên họ. Những chiếc nhẫn ban chỉ ban đầu được làm bằng xương động vật như xương hươu, có màu vàng và sẽ chuyển sang màu nâu sẫm sau khi được sử dụng trong một thời gian dài. Thanh Thái Tổ - Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã đeo loại nhẫn này trong suốt hành trình thống nhất bộ tộc Nữ Chân.
Những ngày đầu khi nhà Thanh mới được tạo dựng, để đề phòng việc con cháu sau này của người Mãn Châu quên đi lịch sử "chinh phục thiên hạ bằng việc cưỡi ngựa và bắn cung" của tổ tiên, tất cả các thành viên trong hoàng tộc, kể cả hoàng đế, đều phải học cưỡi ngựa và bắn cung. Thuận Trị Đế thậm chí còn cho xây dựng một địa điểm để con cháu tập cưỡi ngựa bắn cung riêng biệt trong Tử Cấm Thành. Đích thân ông là người dạy dỗ các hoàng tử và quý tộc đi tập bắn cung, cưỡi ngựa. Trong đó, nhẫn ban chỉ luôn nằm ở ngón tay cái của vị hoàng đế như một công cụ bảo vệ.
Do đó, việc các hoàng đế đeo nhẫn ban chỉ ở ngón tay cái còn là một biểu tượng văn hóa, tượng trưng cho tinh thần cưỡi ngựa, bắn cung, luyện võ thuật của người Mãn Châu.
Trong cuốn "Càn Long hoàng đế đại duyệt đồ" của họa sĩ thời nhà Thanh - Lãng Thế Ninh có miêu tả về cảnh hoàng đế duyệt binh tại Nam Uyển, ngoại ô Bắc Kinh vào năm thứ 4 sau khi Hoàng đế Càn Long lên ngôi (1739 sau Công nguyên). Trong tranh, trên ngón tay phải của Càn Long có đeo một chiếc nhẫn ngọc trắng. Hoàng đế Càn Long có yêu cầu rất cao đối với tay nghề của thợ làm nhẫn và chất liệu nhẫn. Vào dịp hè, ông gửi những chiếc nhẫn ban chỉ của minh về cung yêu cầu thợ thủ công khắc tên một bài thơ lên nhẫn.