Trung Quốc sẽ phải cân nhắc lại những hành động leo thang căng thẳng trên Biển Đông trong bối cảnh nền kinh tế đang có chiều hướng lao dốc.
National Interest mới đây đã đăng tải bài phân tích của tác giả Minxin Pei, Giáo sư nghiên cứu về vận hành chính phủ học tại trường Đại học Claremont McKenna (Mỹ) về mối liên hệ giữa nền kinh tế Trung Quốc và những tham vọng của nước này ở Biển Đông.
Mức tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế là cơ sở để chính phủ Trung Quốc thiết lập Chính sách đối ngoại tham vọng nhưng cũng đầy rủi ro trong nhiều năm qua. Giới tinh hoa Trung Quốc đã nhìn thấy sự suy yếu của Mỹ và phương Tây trong khi Trung Quốc trỗi dậy mà không thể ngăn cản.
Giáo sư Minxin Pei hiện đang công tác tại Đại học Claremont McKenna (Mỹ). |
Giáo sư Minxin Pei hiện đang công tác tại Đại học Claremont McKenna (Mỹ).
Một Trung Quốc tràn đầy tự tin đã dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách kinh tế và an ninh. Thay vì duy trì né tránh sự chú ý của quốc tế, Bắc Kinh ngày càng mở rộng hợp tác với nước ngoài, thách thức trật tự an ninh do Mỹ dẫn đầu ở Đông Á.
Trên phương diện kinh tế, Trung Quốc đã cam kết vốn điều lệ 100 tỷ USD để thành lập thành lập ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), ngân hàng phát triển mới (NDB) cũng như Quỹ Con đường Tơ lụa mới.
Đây là một loạt những tổ chức tài chính và phương tiện nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và tăng cường cạnh tranh với các tổ chức tài chính quốc tế hiện có như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong một thế giới đang phát triển, Trung Quốc cũng đặt cược vào hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên và xây dựng cơ sở hạ tầng. Ở Nam Mỹ, Trung Quốc đã cho vay gần 120 tỷ USD kể từ năm 2005. Tại châu Phi, Trung quốc đã đầu tư và phát triển hơn 100 tỷ USD.
Đối mặt với một Trung Quốc có mức dự trữ ngoại hối gần 4.000 tỷ USD, tất cả những gì mà phương Tây có thể làm là bày tỏ sự quan ngại trước tác động của Bắc Kinh đến môi trường cũng như quyền con người trong các hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Hành động táo bạo nhất của Trung Quốc nhờ sự hậu thuẫn của nền kinh tế mạnh mẽ chính là vấn đề tranh chấp chủ quyền và hàng hải ở Đông Á.
Trong khi các nhà lãnh đạo trong khu vực bày tỏ mối lo ngại về các hành động của Trung Quốc tại đảo Senkaku và Biển Đông thì Bắc Kinh đã thực hiện cách tiếp cận căng thẳng hơn nhờ sức mạnh quân sự và kinh tế. Trung Quốc đã không còn lo ngại về những hành động của Mỹ và các đồng minh trong khu vực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Như một kết quả tất yếu, trong vòng 2 năm qua, Bắc Kinh đã khiến căng thẳng gia tăng bằng việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông và xây dựng hàng loạt các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang có chiều hướng lao dốc cũng như điểm yếu được phơi bày, câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có tiếp tục duy trì chính sách đối ngoái quyết đoán hay không.
Dựa vào các hành vi của Trung Quốc trong quá khứ và những hạn chế ở thời điểm hiện tại, nếu như kinh tế Trung Quốc chững lại, Bắc Kinh sẽ không còn có thể quyết đoán trong chính sách ngoại giao, Giáo sư Minxin Pei nhận định.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong quá khứ bao gồm Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đảo đều theo đuổi chính sách thận trọng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Trung Quốc khi đó đã nhượng bộ trong vấn đề Đài Loan để có thể tập trung phát triển kinh tế với Mỹ và hỗ trợ Bắc Kinh gia nhập WTO.
Nếu như tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn ngắn hạn cần xuất khẩu sang phương Tây nhiều hơn, Bắc Kinh rõ ràng có thể áp dụng trở lại chiến lược này trong khi vẫn duy trì chính sách cứng rắn ở Biển Đông.
Cùng thời điểm, mối đe dọa đến vận mệnh kinh tế chắc chắn sẽ hạn chế đáng kể năng lực của Bắc Kinh trong các dự án ở nước ngoài. Nếu như kinh tế tiếp tục lao dốc, Trung Quốc sẽ phải bố trí lại các nguồn tài chính để đảm bảo duy trì mức tăng trưởng trong nước.
Rõ ràng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có câu trả lời nếu như buộc phải lựa chọn giữa sự tồn tại của đất nước và vị thế TQ trên trường quốc tế.
Do vậy, một Trung Quốc đang phải đối mặt với khó khăn chắc chắn ít nhiều sẽ không đáng lo ngại như trước, Giáo sư Minxin Pei kết luận.
Đăng Nguyễn