Trong 2 tuần đầu tiên của tháng 8, các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, trong đó có cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã "đi nghỉ hè" và tham gia một cuộc họp bí mật tại Bắc Đới Hà.
"Kỳ nghỉ hè" bí mật:
Đây là thông tin được tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng SCMP tiết lộ mới đây. Khác với việc báo chí phương Tây tranh nhau đưa tin Tổng thống Mỹ Barack Obama đi nghỉ tại Martha Vineyard, báo giới Trung Quốc không hề đưa tin về "kỳ nghỉ hè" của các nhà lãnh đạo.
Theo SCMP, nguyên nhân mà các lãnh đạo không muốn công khai kỳ nghỉ vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín chính trị và gây tổn hại đến hình ảnh "hết lòng vì dân, vì nước".
Trong khuôn khổ kỳ nghỉ hè, các lãnh đạo Trung Quốc đã tham gia một buổi họp báo bí mật. Địa điểm tổ chức cuộc họp không được tiết lộ. Tuy nhiên, theo một số thông tin thân cận, cuộc họp được diễn ra tại 4-5 biệt thự tại Bắc Đới Hà.
Cuộc họp được tổ chức ngay trước thời điểm tổ chức hội nghị của Ủy ban trung ướng đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây cũng là thời điểm đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 sắp diễn ra. Khi đó, 5 trên 7 thành viên của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị (trừ Chủ tịch Tập và Thủ tướng Lý) sẽ nghỉ hưu, nhiều vị trí trung và cao cấp sẽ được thay đổi. Có ý kiến cho rằng, Tập Cận Bình sẽ nhân cơ hội này để "tiêu diệt" bớt những tay chân thân cận của ông Lý Khắc Cường trong việc xử lý các vấn đề kinh tế sau khi 2 người rạn nứt về phương hướng của nền kinh tế, cũng như để củng cố quyền lực của mình.
Tuy được tổ chức một cách bí mật, nhưng các cuộc họp tại Bắc Đới Hà từ lâu đã là đề tài đồn đoán của giới truyền thông nước ngoài, đặc biệt là các ấn phẩm bằng tiếng Trung, đặc biệt về việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ kết thúc nhiệm kỳ 5 năm vào tháng 10 năm sau.
Tham vọng kéo dài quyền lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình:
Đây là nhận định của các nhà phân tích chính trị Trung Quốc đưa ra sau bối cảnh các nhà lãnh đạo vừa tham gia một hội nghị tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà.
Theo kế hoạch nhân sự này, đại hội đảng lần thứ 19 của Trung Quốc sẽ được diễn ra vào năm 2017 để tìm ra ủy viên dự khuyết nhằm thay thế cho Chủ tịch đương nhiệm là ông Tập Cận Bình, giữ chức Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2022.
Tuy nhiên, theo giới quan sát nhận định, ông Tập có thể đang tìm cách điều hành đất nước thêm một nhiệm kỳ nữa.
Willy Lam, một chuyên gia về chính trị của Đại học Trung văn Hồng Kông nói rằng, đến 70% ông Tập Cận Bình sẽ không từ bỏ ngôi vị quyền lực đó. Tuy điều này là phạm vào luật bất thành văn của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra khi ông nắm quyền ở Trung Quốc, đó là tổng bí thư không thể tại vị quá 10 năm.
Tập Cận Bình đã bắt đầu lên nắm giữ quyền lãnh đạo Trung Quốc từ năm 2012 và đến nay đã giữ nhiều vị trí quan trọng nhất của đảng và quân đội. Tập Cận Bình vừa giữ chức Chủ tịch Quân ủy trung ương vừa là Tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc. Ông có chủ trương cứng rắn đối với vấn đề Biển Đông và theo đuổi Chính sách bành trướng đại Hán.
Nghiêm Thu (China news)