Lầu Năm Góc mới đây đã công bố bản báo cáo phân tích hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo nhận định, nhiều khả năng “Trung Quốc đang mưu đồ thay đổi hiện trạng bằng cách tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng trên Biển Đông”.
Tin tức trên BBC cho biết, bản báo cáo của Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng, chỉ riêng trong năm 2014, Bắc Kinh đã xây đắp các đảo nhân tạo tại 5 bãi đá tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, gồm Gạc Ma, Châu Viên, Tư Nghĩa, Ga Ven, Én Đất.
Theo giới chức Mỹ, kể từ đầu năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã cải tạo khoảng 810 hecta đất. Cụ thể năm 2014, Trung Quốc đã cải tạo khoảng 200 hecta đất tại 5 tiền đồn ở quần đảo Trường Sa. Từ đầu năm 2015 đến nay, Trung Quốc cố cải tạo thêm 610 hecta đất.
Theo bản báo cáo của Lầu Năm Góc, hiện vẫn chưa thể xác định rõ mục đích cuối cùng của các dự án mở rộng bất hợp pháp của Trung Quốc. Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng, nhiều khả năng “Bắc Kinh đang mưu đồ thay đổi hiện trạng thực tế bằng cách tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng trên Biển Đông”.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, chồng chéo lên tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Brunei,...
Trung Quốc đang gấp rút tiến hành cải tạo, mở rộng đất trên khu vực Biển Đông với tốc độ "chưa từng thấy". |
Reuter trích dẫn báo cáo của Lầu Năm Góc rằng, Trung Quốc tuyên bố, hoạt động cải tạo, mở rộng đất chủ yếu để cải thiện điều kiện sống và sinh hoạt cho lực lượng đồn trú trên các đảo.
Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại, việc cải tạo, mở rộng đất tại Trường Sa chính là để Trung Quốc có "những cơ sở quân - dân sự hoạt động ổn định để tăng cường hiện diện trong khu vực tranh chấp".
Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Australia tại ASEAN Simon Merrifield cho hay nước này rất quan ngại việc Trung Quốc đang cải tạo các đá ở Trường Sa, tái khẳng định các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế ở khu vực này.
"Chúng tôi rất quan ngại về bất cứ hành động nào gây nên căng thẳng trong khu vực, việc Trung Quốc bồi đắp các đá ở Biển Đông cũng là mối quan tâm của Australia. Chúng tôi chia sẻ mối lo ngại của ASEAN về việc này", ông Merrifield trả lời câu hỏi của báo VnExpress.
Bắc Kinh gần đây đã công khai thừa nhận và bao biện hành động cải tạo phi pháp 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nhiều quan chức cấp cao của Mỹ lên tiếng phản đối, đề nghị Trung Quốc dừng việc thay đổi nguyên trạng Biển Đông. Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Matt Salmon hôm qua cho biết Hạ viện sắp có phiên điều trần trong tháng này, và sẽ yêu cầu Bắc Kinh dừng các hoạt động gây hấn.
Yên Yên (tổng hợp)